Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt

Theo Bình Định (TTXVN)| 15/02/2022 19:36

Trong không khí hân hoan, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022; nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử, chiều 15-2 (tức Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa và cắt băng khánh thành Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung - di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cùng dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bình Định xưa nay là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây là nơi hội tụ, giao thoa, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa các dân tộc Việt, Chăm..., trải qua quá trình lịch sử, đã tạo nên con người Bình Định thượng võ, nhân văn, văn hóa Bình Định đặc sắc, góp phần vào những trang sử hào hùng, kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam. Bình Định cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của khởi nghĩa Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Truyền thống lịch sử hào hùng của phong trào Tây Sơn - Anh hùng Nguyễn Huệ được các thế hệ người Bình Định không ngừng gìn giữ, kế thừa và phát huy trong những năm qua. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Bình Định đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, góp phần máu xương của mình để cùng nhân dân cả nước viết thêm những trang sử độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Dù đã hơn 200 năm trôi qua nhưng những dấu ấn của triều đại Tây Sơn vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất thiêng liêng này như Thành Hoàng đế, Điện Tây Sơn, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân... Chủ tịch nước cho rằng, việc tôn tạo, phát huy giá trị Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt có ý nghĩa hết sức thiết thực để nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt, là niềm tự hào của người dân Bình Định và cả nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, việc xây dựng tượng đài, đền thờ, Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và các vị anh hùng dân tộc không chỉ để tưởng nhớ, mà còn để nói gương, học tập, để tổng kết, rút kinh nghiệm từ lịch sử... Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước nêu khái quát 5 bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị hoàng đế lỗi lạc. Những bài học này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp đảm bảo quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.

Đó là: Tự tin ở chính mình, tin vào cơ đồ đất nước mình để hành động; Thần tốc, “tức làm gì cũng nhanh chóng, khẩn trương, thần tốc"; Tinh thần táo bạo, quyết đoán, quyết liệt trong công việc; Biết tận dụng thời cơ, từng cơ hội nhỏ để đạt thắng lợi cuối cùng; Chắc chắn trong hành động, phải chắc thắng thì mới đánh.

“Tinh thần, khí chất, trí tuệ, di sản của Quang Trung mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, là niềm cảm hứng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Di tích gốc gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bến Trường Trầu cùng Bảo tàng Quang Trung và các công trình văn hóa khác.

Các nghi lễ tri ân ba anh em nhà Tây Sơn cũng được tổ chức hằng năm tại di tích, có thể kể đến như: Ngày hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt (15 tháng Mười một), ngày giỗ trận Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng), ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung (29 tháng Bảy)... Trong những ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng ban Nghi lễ Điện long trọng tổ chức lễ cúng kỵ theo nghi thức truyền thống của dân tộc, thu hút hàng vạn người về chiêm bái, tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân.

Với giá trị đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31-12-2014).

* Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Định - mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, được mệnh danh là “đất võ, trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có như hát bội, bài chòi, võ cổ truyền, nhạc võ Tây Sơn…

Bình Định từng là cố đô của Vương quốc Chămpa xưa, di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm (7 cụm, 14 tháp) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, có rất nhiều công trình văn hóa lịch sử đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. Để bảo tồn và tiếp tục phát huy bền vững giá trị các di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn, tại buổi làm việc, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hoá lịch sử, nhất là các tháp Chăm; quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Tại buổi làm việc, cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tán thành với các đề nghị của địa phương, nhất là việc tôn tạo các công trình tháp Chăm. Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với Võ cổ truyền Bình Định để Bộ giao các cơ quan chuyên môn sớm bắt tay vào triển khai trong thực tế bởi tiến trình, thủ tục đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới khá phức tạp và qua nhiều khâu xét duyệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng sau hai năm trở lại thăm Bình Định, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và đặc biệt là những nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế của Bình Định với vị trí chiến lược như một “Việt Nam thu nhỏ”; sản vật tươi tốt, con người nghĩa hiệp, siêng năng, cần cù, Chủ tịch nước cho rằng, đó là những lợi thế lớn mà không phải vùng đất nào trên cả nước cũng có được. Do đó, Bình Định cần đặt khát vọng trở thành một cực phát triển của cả nước.

Chủ tịch nước đề nghị Bình Định cần có một sự đột phá hơn nữa trong phát triển; thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực; song song với đó là chú ý đến phát triển bền vững, tránh tăng trưởng nóng, thiếu bài bản. Chủ tịch nước mong muốn có một “khí thế mới, khát vọng mới” trong toàn Đảng bộ Bình Định với sự chuyển biến sâu rộng từ cấp ủy, chính quyền và địa phương với tinh thần phụng sự nhân dân.

Gợi ý một số giải pháp cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần có sự đột phá trong phát triển đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; chú trọng phát triển hài hòa kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội để người dân Bình Định được sống hạnh phúc và ấm no, không ai bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch nước hoan nghênh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ các đề nghị của tỉnh về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với Võ cổ truyền Bình Định.

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án Đập dâng Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực. Dự án có chiều dài theo phương ngang là 588,5 m; kênh tưới dài 7,07 km và được vận hành bằng hệ thống điện.

* Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tới thăm Tổ hợp khu nghỉ dưỡng giải trí Hải Giang Merry Land do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư tại bán đảo Hải Giang, thành phố Quy Nhơn. Với vịnh biển sạch, cùng địa thế độc nhất vô nhị 3 mặt giáp núi, bán đảo Hải Giang hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành thiên đường du lịch mới, một kỳ quan miền nhiệt đới.

Tổ hợp có tổng diện tích 1.200 ha, số vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, với các phân khu chức năng: Khu nhà phố thương mại, Khu biệt thự, Khu giải trí, Sân Golf 12 lỗ, Khu nhà hàng khách sạn, Khu công viên nước, Khu cáp treo xuyên biển... Tỷ lệ quy hoạch của tổ hợp: Đất xây dựng đô thị biển chiếm 35%, đất giao thông và các công trình hạng mục vui chơi chiếm 65% theo mô hình thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.