Sáng 21-4 (tức ngày 10 tháng Ba âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và dâng hương.
Cùng tham gia buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu một số địa phương và đông đảo nhân dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Đúng 6h sáng, trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương, địa phương khởi hành từ sân hành lễ, qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, rồi tiến lên đền Thượng để dự lễ dâng hương.
Ði đầu, đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa lớn mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Tiếp đó, đoàn thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ thắm mang hương hoa, lễ vật cung tiến cùng 100 nam thanh niên tượng trưng cho 100 người con của truyền thuyết Mẹ Âu Cơ - trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội thể hiện sức sống mãnh liệt của con cháu Vua Hùng.
Đi sau là đội nhạc lễ, đội rước kiệu lễ và đoàn dâng hương cùng nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trong giờ phút lắng đọng hồn thiêng sông núi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường.
Trước anh linh các Vua Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, chủ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021 đã đọc Chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các Vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân giữ gìn đất nước. Bản Chúc văn cũng kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau Lễ dâng hương tại đền Thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đặt vòng hoa và dâng hương tại Lăng Hùng Vương thứ 6. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong" ở khu vực ngã năm đền Giếng. Lẵng hoa có dòng chữ "Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy".
Trong những ngày Giỗ Tổ, nhiều người dân từ mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã về dâng hương tại Khu di tích Đền Hùng để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước; cầu mong Quốc Tổ phù trì luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc.
Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 do tỉnh Phú Thọ tổ chức, được điều chỉnh phù hợp với trạng thái bình thường mới; chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa thế giới này đến đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí cũng sẽ được tổ chức phục vụ người dân trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Buổi lễ diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính, triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong và ngoài nước về dâng hương tri ân công đức tổ tiên.
* Nhân dịp về thăm Phú Thọ, dự Giỗ Tổ Hùng Vương, cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm xã nông thôn mới Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chủ tịch nước đã thăm một số công trình hạ tầng như chợ, sân vận động, hệ thống giao thông của xã và gặp gỡ người dân xã Tứ Xã tại Tổ dân cư số 7.
Báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo xã Tứ Xã cho biết, xã có hơn 10.000 dân, có 509 đảng viên. Nhờ đoàn kết, sáng tạo, tận dụng tốt nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương, Tứ Xã nhanh chóng đạt chuẩn nông thôn mới chỉ sau 4 năm, từ năm 2011-2015. Một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả là khuyến khích sự chung tay, góp sức của nhân dân trong xã cả về vật chất và trí tuệ. Đến nay, xã huy động được khoảng 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ thương mại.
Nhờ đó, năm 2020, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước đó. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm, cao hơn 6 triệu so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,6%. Trên 98% hộ dân được sử dụng nước sạch.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao về những thành tích đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao tỉnh Phú Thọ trong phát triển toàn diện kinh tế xã hội, chú trọng xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đã có 122/243 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương trên 60% số xã. Tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó Lâm Thao là huyện đầu tiên đạt chuẩn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới là đưa thông tin và trí thức đến người dân, trên tinh thần là khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh. Nông thôn mới không chỉ có đường, có cầu, có cổng chào, nhà xây, có chợ, mà cốt yếu nhất vẫn là khả năng làm kinh tế của người dân, để từ đó giải quyết việc làm, thu nhập người dân. Nông thôn mới cần có hệ thống giáo dục tiên tiến, chất lượng, nhất là dịch vụ y tế tốt; bảo đảm an ninh trật tự, môi trường sống ở nông thôn.
Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý, nông thôn mới không chỉ có vấn đề đời sống vật chất của người dân mà còn giữ gìn văn hóa của người Việt, văn hóa của tình làng, nghĩa xóm, thương yêu giúp đỡ nhau, giữ gìn văn hóa phi vật thể, vật thể trong làng, xóm. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy ở Tứ Xã, tinh thần ấy bước đầu đã được xây dựng và phát huy; đồng thời nhấn mạnh, đạt được danh hiệu nông thôn mới đã khó, nhưng giữ gìn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn khó hơn. Do đó chính quyền và người dân trong xã phải không ngừng phấn đấu để xã Tứ Xã là xã nông thôn mới kiểu mẫu, không chỉ là nông thôn mới mà phải phấn đấu tiến lên đô thị mới. Đây là vấn đề rất mới đặt ra ở nông thôn nước ta. Chủ tịch nước mong muốn, Phú Thọ phải nghiên cứu đưa nông thôn mới kiểu mẫu lên đô thị mới phù hợp với quy hoạch bài bản, chặt chẽ, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và giữ gìn văn hóa nông thôn.
Hoan nghênh xã Tứ Xã đã huy động được vật chất trị giá hơn 200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, phục vụ thị trường. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, cần tiếp tục quan tâm các hộ gia đình khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước căn dặn chính quyền địa phương nhiệm vụ trước mắt là làm tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, phấn đấu 100% người dân đủ điều kiện đều đi bầu; tiếp tục nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.