Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh: Đồng hành để phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Bảo Khánh| 17/04/2022 13:55

(HNMCT) - Nếu như người dân đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển du lịch cộng đồng thì chính quyền địa phương cũng có vai trò quan trọng không kém. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự đồng hành của chính quyền, nơi đó du lịch cộng đồng phát triển một cách bài bản, bền vững. Trò chuyện với phóng viên Hànộimới Cuối tuần về vấn đề này, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh đã chia sẻ quan điểm của mình.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò và xu hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam?

- Du lịch cộng đồng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tạo sinh kế, cải thiện đời sống của bà con nông dân. Bên cạnh đó, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ cũng được nâng lên, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút du khách. 

Thời gian qua, xuất hiện một số mô hình du lịch cộng đồng sáng tạo, phát huy hiệu quả trong việc tạo sinh kế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã hình thành mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nhờ hệ sinh thái đa dạng, làng nghề truyền thống cùng bản sắc văn hóa đặc trưng, mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, đến nay, ngành Du lịch vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể và hướng dẫn chi tiết trong việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố hiện đang phát triển ồ ạt hệ thống homestay và cho rằng đó là du lịch cộng đồng. Nhưng bản chất của du lịch cộng đồng là phải gắn kết du lịch với người dân để cùng khai thác, kinh doanh. Muốn vậy, cần quan tâm đến giá trị văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên để lựa chọn, khai thác thế mạnh một cách phù hợp nhất. Với cộng đồng còn giữ được giá trị văn hóa bản địa, cần khai thác sâu hơn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc. Song hành với đó là giá trị cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận tiện kết nối các vùng miền để xây dựng sản phẩm và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương.

- Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch cộng đồng là gì? 

- Du lịch cộng đồng phải bắt đầu từ cộng đồng, cái khó là làm thế nào để cộng đồng đó phát triển một cách bền vững. Muốn vậy, phải tiến hành từng bước, phải khảo sát điểm xây dựng du lịch cộng đồng và tìm ra giá trị nổi bật. Đi kèm là vấn đề về kết nối giao thông, mong muốn phát triển du lịch cộng đồng của chính quyền địa phương và người dân hay việc đảm bảo sinh kế cho họ. 

Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng dễ nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cộng đồng hoặc giữa các hộ tham gia và không tham gia làm du lịch. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này, tính cố kết và những giá trị chung của cộng đồng sẽ bị phá vỡ, không mang lại lợi ích chung. Trong thực tế đã xảy ra việc này bởi chúng ta chưa có quy chuẩn chung về phát triển du lịch cộng đồng. 

Một cái khó khác là định hình bản sắc để xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, qua đó thu hút khách du lịch quốc tế và đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương muốn phát triển du lịch cộng đồng đều cho người dân đi học tập kinh nghiệm của các địa phương khác, nhưng họ chỉ áp dụng theo những điều mắt thấy, tai nghe mà không có sự tìm hiểu sâu để khai thác tối đa các giá trị đặc sắc riêng có nhằm tạo nên sự khác biệt so với các cộng đồng khác. Từ đó dẫn tới hiện tượng trùng lặp sản phẩm ở nhiều nơi.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng?

- Chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy, giám sát trực tiếp cũng như kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành để hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư, hỗ trợ các cộng đồng phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng hành của chính quyền địa phương thì sự hỗ trợ của các chuyên gia, dự án cũng sẽ khó thu được kết quả như ý. Quan trọng không kém là vai trò của cán bộ xã bởi họ là người gần dân nhất, do đó có thể giúp cộng đồng có thêm động lực để phát triển, kịp thời giám sát, nắm bắt những mâu thuẫn nảy sinh để giải quyết. 

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều địa phương phát triển du lịch cộng đồng theo kiểu chạy đua, mang tính hình thức, xây dựng cho có. Việc đó gây lãng phí nguồn lực, công sức, tiền của của Nhà nước; người dân thì không được gì, cộng đồng không thể phát triển, khách thì không đến. Tại một số địa phương xảy ra tình trạng khi các dự án kết thúc và các chuyên gia rút đi, cộng đồng không thể tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương. 

Ngược lại, cũng có nhiều địa phương có tinh thần cầu thị và VCTC luôn sẵn sàng hỗ trợ họ, sẵn sàng “nằm vùng”, thậm chí, sẵn sàng làm việc không công và bỏ thêm nguồn lực để hỗ trợ bà con một cách tốt nhất, bởi đó là những cộng đồng thực sự muốn phát triển du lịch. Đó chính là giá trị của việc cho đi và nhận lại, đồng thời cũng là trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Việc đem lại nụ cười cho bà con và những giá trị cho cộng đồng mới là ý nghĩa của cuộc sống. 

- Thời gian qua, VCTC đã hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch cộng đồng như thế nào và kế hoạch phát triển tới đây?

- Xác định du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, VCTC đang tiếp tục đồng hành để hỗ trợ các địa phương có định hướng rõ ràng, nhận định và phân tích giá trị của từng cộng đồng, từ đó tư vấn và hỗ trợ xây dựng các cộng đồng du lịch đạt chuẩn, mang lại giá trị cho cộng đồng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Với tiêu chí “Kết nối - Đồng hành - Phát triển”, VCTC đã kết nối các doanh nghiệp du lịch trong nước khai thác, hỗ trợ sản phẩm du lịch cộng đồng, vừa lan tỏa việc phát triển du lịch cộng đồng, vừa nâng cao sinh kế cho bà con. Bên cạnh đó, VCTC tích cực hợp tác với nhiều dự án nước ngoài như Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID (từ 5-2018 đến 12-2019) hỗ trợ xây dựng, đào tạo và phát triển mô hình các làng du lịch sinh thái cộng đồng mới như Ta Lang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), A Nôr (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)...

Tính đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, VCTC đã hợp tác với tổ chức Helvetas khảo sát 20 làng du lịch của Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng để lựa chọn 2 - 3 điểm đến tại mỗi tỉnh, thành và cử hội viên VCTC đồng hành với từng tỉnh, thành, dìu dắt cộng đồng phát triển. Cùng với đó, dự án cũng hỗ trợ phát triển phần mềm về đào tạo, marketing, hoàn thiện sản phẩm, giúp bà con có sự nhìn nhận đúng đắn về phát triển du lịch cộng đồng. 

Bên cạnh đó, Ban chấp hành VCTC gồm hơn 30 thành viên luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương có tiềm năng và nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng với mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của các cộng đồng mà không phân biệt vùng miền; không phải chỉ đồng bào dân tộc thiểu số mà cả người Kinh đều có thể phát triển du lịch cộng đồng, miễn là bảo đảm việc đưa cộng đồng vào phát triển du lịch và quyền lợi là cộng đồng hưởng. Hiện nay, VCTC đang đề xuất với Quỹ phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khảo sát và lựa chọn hỗ trợ các cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng có chính quyền địa phương đồng hành.  

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh: Đồng hành để phát triển du lịch cộng đồng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.