Chiều 1-4 (giờ địa phương - tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại trụ sở Hạ viện Pháp, thủ đô Paris, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Pháp Richard Farrand đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Cộng hòa Pháp tươi đẹp, hiện đại và giàu lòng mến khách; cảm ơn ngài Chủ tịch Hạ viện Richard Farrand đã mời và dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Pháp lần này nhằm duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Pháp nói riêng, đặc biệt là hiện thực hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai bên về hợp tác liên nghị viện.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Pháp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp trong chính sách đối ngoại và mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, làm sâu sắc hơn nữa nội hàm hợp tác trong quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam - Pháp có bề dày hàng trăm năm cùng sự gần gũi, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân hai nước đã tạo nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập.
Hai nhà lãnh đạo đều nhất trí cho rằng, quan hệ chính trị tốt đẹp sẽ mở đường cho hợp tác trong các lĩnh vực khác. Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với 2,8 tỷ USD; là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại châu Âu; kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao chính sách của Pháp tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam. Hiện có trên 200 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam và năm 2018 có 215.000 lượt khách du lịch người Pháp đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, kết quả hợp tác song phương còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau; đồng thời thông báo với Chủ tịch Hạ viện Pháp về cuộc làm việc với Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt và 15 doanh nghiệp lớn của Pháp. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ thông tin về những lĩnh vực hợp tác tiềm năng của Việt Nam và mong muốn các nhà đầu tư của Pháp mở rộng hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là cửa ngõ vào khu vực ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand hội đàm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp của Pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến Việt Nam và khu vực ASEAN; có nhiều dự án đầu tư thành công tại Việt Nam. Airfrance và Tập đoàn Safran - tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng hàng đầu của Pháp đã ký với Vietjet Air hợp đồng 6,5 tỷ USD bảo dưỡng, sửa chữa và ngày 2-4-2019 sẽ nhận máy bay thứ 68. Dịp này, Vietnam Airlines cũng sẽ nhận 1 máy bay A350; hãng Bambo Airways cũng đang đàm phán để mua máy bay Airbus. Với những kết quả như vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các doanh nghiệp Pháp rất tin tưởng thị trường Việt Nam, nơi có nền kinh tế, xã hội ổn định, độ mở nền kinh tế cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng, đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mới đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam sẽ nội luật hóa các cam kết quốc tế đã ký kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hợp tác địa phương là nét đặc thù trong quan hệ hai nước. Nhân dịp này, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương hai nước lần thứ 11 tại Toulouse, Pháp có sự tham dự của hơn 20 địa phương Việt Nam với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phong phú và đa dạng giữa hai nước, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua và đề nghị Pháp, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là vấn đề quan trọng, phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và EU, trong đó có Pháp. Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán và đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng ký kết và phê chuẩn. EVFTA là sự khẳng định cam kết của hai bên đối với thương mại tự do, là hình mẫu cho FTA giữa EU-ASEAN trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Pháp hỗ trợ thúc đẩy để EVFTA sớm được ký và phê chuẩn. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Pháp ủng hộ việc sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với Việt Nam; đồng thời cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EU trong vấn đề này. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Luật này có hiệu lực từ 1-1-2019.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng được thúc đẩy và phát triển tích cực. Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua với việc tăng tần suất các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước (chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3-2018; đến tháng 11-2018, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thăm chính thức Việt Nam và lần này là chuyến thăm chính thức Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân).
Chủ tịch Hạ viện Pháp cho biết, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sau chuyến thăm Việt Nam năm 2018 đã thông tin đầy đủ, toàn diện những triển vọng mới phát triển quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển mối quan hệ Pháp-Việt trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand, để thúc đẩy quan hệ song phương hiệu quả, hai bên cần cùng nhau xác định những lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên và từ đó, đề ra những biện pháp cụ thể phù hợp. Chủ tịch Hạ viện Pháp đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam tại khu vực và trong ASEAN. Vốn là nghị sĩ từ thành phố Brest, một thành phố có quan hệ kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hạ viện Pháp bày tỏ sự ủng hộ mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Pháp cho biết, về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Pháp và Nghị viện Pháp ủng hộ việc sớm ký kết và phê chuẩn hiệp định; đồng thời cho rằng, hai bên cần hết sức tích cực để tranh thủ, thúc đẩy việc ký kết chính thức.
Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand hoan nghênh quan hệ giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực hàng không dân dụng với nhiều hợp đồng được ký kết, có giá trị lớn; đồng thời cho rằng, có thể lấy hình ảnh của sự hợp tác trong lĩnh vực hàng không để minh họa cho quan hệ Pháp - Việt Nam hiện nay, đó là “chúng ta đã cùng nhau cất cánh, điều quan trọng bây giờ là hai bên cùng giữ được độ cao và tốc độ bay để cùng đạt tới đích và mục tiêu chung”.
Tiếp nối ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, “đã bay thì phải bay cao và an toàn”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nghị viện Pháp để không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đóng góp quan trọng vào việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Pháp.
Tại hội đàm, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand đã nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho biết sẽ sớm sang thăm Việt Nam cùng một đoàn công tác với đông đảo các nghị sĩ và doanh nghiệp Pháp, để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hai nước, hai nghị viện; khẳng định Hạ viện Pháp luôn mở rộng cửa chào đón các đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.