Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ quan, hậu quả sẽ lớn hơn

Nguyễn Đức| 26/07/2010 06:30

(HNM)- Chưa đầy một tuần tại Hải Phòng và Hà Nội đã xảy ra liên tiếp hai vụ phương tiện đường thủy đâm vào cầu hết sức bất ngờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn cầu, gây hỗn loạn giao thông. Đáng nói, cả 2 sự cố đều liên quan đến bão lũ và đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo cho công tác bảo đảm an toàn phương tiện, an toàn giao thông đường thủy khi mùa mưa bão mới bắt đầu.


Liên tiếp những sự cố hy hữu


Tàu Vinashin Orient Hai Phong INO 9385568 bị mắc kẹt vào gầm cầu Bính. Ảnh:  T.Anh

Tối 17-7, 3 con tàu lớn đang neo tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng gồm: tàu Shinsung Accord (Hàn Quốc), tàu container 1.700 TEU Vinashin Express 01 của Công ty Vận tải Biển Đông, tàu Vinashin Orient của Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hải Dương đã bị đứt neo trôi tự do, đồng loạt "tập kích" cầu Bính bắc qua sông Cấm (Hải Phòng). Sau vụ va chạm lớn, cả 3 tàu đều bị mắc kẹt dưới gầm cầu, đuôi tàu Vinashin Express 01 va đập mạnh nhất làm vỡ một mảng bê tông thành cầu, cong, gẫy một số đoạn thép lan can cầu… Lực lượng chức năng và chính quyền TP Hải Phòng đã tổ chức cứu hộ nhưng phải mất hơn 1 ngày mới giải phóng được tàu mắc kẹt. Nhận định sơ bộ cho thấy, vụ va chạm đã khiến cầu Bính bị ảnh hưởng nghiêm trọng: một số sợi cáp bong vỏ, dầm thép chính hạ lưu bị cần cẩu tàu va vào làm biến dạng đáy dầm, vỡ bê tông thành cầu...

Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đánh giá đây là sự cố hy hữu, chưa từng xảy ra trường hợp 3 tàu hàng tải trọng gần 2 vạn tấn trở lên đâm cùng lúc vào một cây cầu. Để bảo đảm an toàn, khi đó lực lượng chức năng đã phải ngừng hoạt động giao thông trên cầu. Bộ GTVT phải điều gấp một phà 1.000 tấn từ Quảng Ninh về hỗ trợ phương tiện đi lại. Các chuyên gia cầu của Nhật Bản đang thi công cầu Nhật Tân cũng được mời về đánh giá mức độ hư hại để tìm giải pháp khắc phục.

Trong khi sự cố cầu Bính chưa được xử lý dứt điểm, 5 ngày sau (ngày 22-7), tại Hà Nội, lại xảy ra một vụ tai nạn hy hữu khác khi sà lan chở than mang số hiệu PT 1202 (Phú Thọ) bị mất kiểm soát, đâm vào cầu phao bắc qua sông Đuống. Vụ va chạm khiến cầu phao bị rách hai khoang, bung mố cầu bờ Bắc, chốt nối các đốt phao bị xoắn lại... Lực lượng chức năng đã phải tạm dừng hoạt động cầu phao để khắc phục, sửa chữa đến 16h cùng ngày mới hoàn thành. Sự cố xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng khi cầu Đuống đang được sửa chữa đã khiến tình hình giao thông tại khu vực trở nên hỗn loạn. Khu vực cầu Phù Đổng, trên QL 1 đi Lạng Sơn đã bị ùn tắc nhiều giờ.

Những hồi chuông cảnh báo thực sự

Các sự cố nói trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ về tài sản mà còn cả về sự an toàn của các cây cầu sau này. Điều đáng bàn ở đây là những vụ va chạm nói trên đều xảy ra khi khu vực sông đang bị ảnh hưởng của bão lũ. Tại Hải Phòng tàu đâm vào cầu khi cơn bão số 1 đang tiến vào đất liền, "đe dọa" trực tiếp các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, trong đó Hải Phòng được xác định là một trọng điểm. Còn tại sông Đuống, sau những ngày mưa lớn do bão số 1, bão số 2, nước trên thượng nguồn đổ về, mực nước sông dâng cao, lưu tốc dòng chảy mạnh.

Nhưng thiên tai không phải là nguyên nhân chính và không thể đổ hết cho thiên tai. Sức người không thể đối đầu với thiên nhiên, song hoàn toàn có thể hạn chế thấp nhất hậu quả thiên tai. Hai vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên chắc chắn sẽ không xảy ra, nếu những người có trách nhiệm trực tiếp không chủ quan. Tại các vùng biển, mỗi khi bão về, việc lai dắt, neo đậu tàu thuyền được đặt lên vị trí số một để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khỏi sóng, gió. Với các con tàu lớn, việc này càng cần được quan tâm chu đáo, cẩn thận hơn. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, cả 3 con tàu tải trọng hàng vạn tấn lại có thể dễ dàng "rủ nhau" dứt neo ra "đánh hội đồng" cầu Bính. Đặc biệt hơn, khi tàu bị đứt neo, trôi tự do, cơ quan có trách nhiệm cũng không phát hiện, xử lý kịp thời cho đến khi… sự đã rồi.

Với vụ sà lan đâm vào cầu phao trên sông Đuống, theo đánh giá ban đầu, phương tiện đã bị mất kiểm soát và trôi tự do. Như vậy, có thể thấy, chất lượng phương tiện có vấn đề. Theo người dân địa phương, sông Đuống vốn dĩ hiền hòa, nhưng khi lũ về, dòng nước bỗng hung dữ lạ thường, đặc biệt là tại khu vực cầu Đuống. Với những người làm nghề sông nước, chắc hẳn càng thông thạo và nắm rõ đặc điểm thủy văn này. Vậy mà, đã nhiều năm qua, dù nước sông cuồn cuộn chảy khi lũ về, hàng loạt xà lan vẫn cố đi ngược dòng và không ít chiếc gần như bị nước xoay ngang. Những người thường xuyên qua cầu Đuống dễ bắt gặp hình ảnh, tàu kéo sà lan vượt qua dòng nước dữ dưới chân cầu. Đôi khi, tàu kéo cũng bất lực trước sức nước. Trước đây, đã không ít lần, các phương tiện thủy qua lại khu vực này đã va vào chân cầu. Sà lan đâm vào cầu phao là sự cố hy hữu nhưng xem ra cũng không quá bất ngờ .

Mới bước vào "đầu vụ" mưa bão, đã liên tiếp xảy ra hai sự cố gây thiệt hại là điều không ai muốn. Tuy nhiên, đây lại là lời cảnh báo không chỉ với chủ phương tiện đường thủy mà cả với cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ. Tinh thần chủ động phòng ngừa đã được thực hiện rất tốt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở lĩnh vực quản lý đê điều, nhưng hình như vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở lĩnh vực đường thủy? Cứ tiếp tục chủ quan, có thể hậu quả còn lớn hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ quan, hậu quả sẽ lớn hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.