Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữ ký số và ký số từ xa, điều kiện tiên quyết để số hóa thành công tại Việt Nam

Vy Cầm| 07/10/2021 13:55

Mặc dù tiềm năng còn rất lớn nhưng các công cụ xác thực chữ ký số của người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế đã khiến cho việc triển khai số hóa quốc gia, số hóa nền kinh tế bị chậm lại với những kết quả khiêm tốn so với mục tiêu đã đặt ra. Một giải pháp ký số thuận lợi, an toàn và có tính pháp lý cao sẽ tạo ra bước đà cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu tại hội thảo.

Kết quả chuyển đổi số dịch vụ công vẫn khiêm tốn

Ngày 6-10, Tập đoàn VNPT đã triển khai hội thảo “Chữ ký số - Công dân số - Chìa khóa thành công” qua hình thức trực tuyến với sự có mặt của nhiều chuyên gia hàng đầu về số hóa tại Việt Nam cùng hàng trăm khách mời đến từ các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chữ ký số, cơ sở pháp lý chữ ký số trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời nêu ra thực trạng, hạn chế của quá trình số hóa trong nước.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của người dân vẫn chiếm số lượng ít so với hồ sơ của doanh nghiệp. “Dù điện tử hóa nhưng nhiều nơi vẫn yêu cầu người dân nộp bản sao công chứng, điều này khó đáp ứng được trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh đó là chi phí để duy trì chữ ký số cá nhân so với chữ ký số doanh nghiệp khá cao khi cả năm người dân chỉ cần sử dụng 1-2 lần. Không những vậy, việc triển khai cung cấp dịch vụ công ở một số cơ quan hành chính vẫn mang tính hình thức... Chính những nguyên nhân đó đang làm chậm quá trình số hóa thủ tục hành chính của người dân. Trên nguyên tắc, cải cách phải dẫn dắt, còn công nghệ là phương tiện phục vụ”, ông Ngô Hải Phan phân tích.

Nền kinh tế sẽ phát triển nhanh chóng hơn khi quá trình số hóa được thuận lợi

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, ngay từ năm 2005, Kho bạc là một trong những cơ quan nhà nước đi đầu triển khai ứng dụng chữ ký điện tử và sau này là chữ ký số trong các giao dịch nội bộ. Việc triển khai chữ ký số tạo ra đột phá rất lớn trong hoạt động nghiệp vụ của ngành, tạo rất nhiều thuận lợi cho hoạt động của lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực khác của ngành Tài chính.

“Với đặc thù riêng của ngành Thuế, nếu như đối tượng phục vụ là khoảng 1 triệu doanh nghiệp thì đối tượng hộ kinh doanh phải gấp 10 lần số đó. Vẫn còn rất nhiều khó khăn liên quan đến nhận thức của người dân. Để có thể thay đổi nhận thức, chúng ta phải đưa ra giải pháp, những công nghệ thực sự thuận tiện để người dân không còn vin vào việc bất tiện, khó khăn và cả chi phí để không chịu thay đổi nhận thức”, ông Nguyễn Đại Trí cho biết.

Cũng tại hội thảo, nhiều diễn giả cùng bày tỏ sự quan ngại khi hình thức chữ ký số sử dụng USB token hiện nay như phụ thuộc vật lý vào thiết bị PC, laptop cũng như giới hạn về tốc độ, lượt ký và vấn đề chữ ký số từ xa (Remote Signing) cũng được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, hình thức ký số từ xa đã được triển khai trên thế giới được 1-2 năm nay. Nhiều đơn vị đã gửi hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông để được cấp phép cung cấp dịch vụ này. Trong thời gian tới, đơn vị nào đáp ứng được các điều kiện an toàn sẽ được phê duyệt.

Thể hiện sự tin tưởng với những tiềm năng mà chữ ký số và ký số từ xa có thể mang lại cho nền kinh tế, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, chữ ký số hầu như ít được sử dụng trong thương mại điện tử, do nhiều yếu tố khách quan như: Tốc độ xử lý, việc sử dụng USB token không mang lại sự tiện lợi. Công nghệ ký số từ xa với tính an toàn, bảo mật cao và tiện lợi sẽ góp phần tạo ra môi trường lý tưởng cho các hoạt động thương mại, logistic, đặc biệt là thương mại điện tử. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thời gian tới.

Đại diện VNPT: “VNPT đã hoàn toàn sẵn sàng về giải pháp kỹ thuật và hạ tầng cho việc cung cấp dịch vụ SmartCA trên toàn quốc”

Cùng chia sẻ với các diễn giả tại hội thảo, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị đầy đủ về mặt hạ tầng, kỹ thuật để triển khai trên toàn quốc. Các hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện và đang triển khai các thủ tục cuối cùng để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép làm căn cứ pháp lý chính thức cho dịch vụ.

So với 2 hình thức ký số khác bằng Token và Sim PKI thì SmartCa là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số nên người dùng có thể sử dụng để ký các giao dịch từ cổng dịch vụ công, hợp đồng điện tử, các tờ khai thuế, hải quan... Chúng tôi cũng triển khai các dải gói cước đáp ứng nhu cầu rộng rãi của doanh nghiệp, cá nhân từ các gói cước dài hạn tới các gói cước chỉ ký một vài lần trong thời gian ngắn nhằm tối ưu hóa chi phí của khách hàng.

Cũng tại hội thảo, đại diện VNPT đã công bố loạt chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các dịch vụ thuộc hệ sinh thái số VNPT: Giảm 40% giá trị hợp đồng điện tử so với giá ban hành cho các khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Hợp đồng điện tử VNPT eContract trước ngày 31-12-2021; tặng 500 hóa đơn cho các khách hàng đăng ký mới sử dụng dịch vụ Hóa đơn điện tử VNPT Invoice trong ngày 6-10-2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chữ ký số và ký số từ xa, điều kiện tiên quyết để số hóa thành công tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.