(HNM) - Nhằm nâng cao chất lượng sống, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, những năm qua, Hà Nội rất quan tâm phát triển hệ thống cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn. Đến nay, tỷ lệ người dân khu vực này được sử dụng nước sạch đạt 78% (năm 2016 là 37,2%). Kết quả này cho thấy sự cố gắng rất lớn của thành phố trong điều kiện phát triển hệ thống nước sạch khu vực nông thôn đối mặt không ít khó khăn về cơ sở hạ tầng, địa hình, thói quen sử dụng nước của người dân, nguồn vốn…
Tuy vậy, đến nay toàn thành phố vẫn còn 170/416 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung. Thực tế những địa phương đến nay người dân chưa được sử dụng nước sạch đều có những khó khăn nhất định. Về khách quan, đó là địa hình đồi gò, dân cư thưa thớt không thuận lợi cho mở rộng mạng lưới nước sạch, khó thu hút nhà đầu tư. Song căn bản vẫn là nguyên nhân chủ quan khi một số dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng tiến độ triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém…
Quyết tâm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Hiện thực hóa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đời sống dân sinh khu vực nông thôn này, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và có trách nhiệm.
Hiện thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch phụ trách từng địa bàn, triển khai dự án cụ thể, phù hợp để sớm phủ kín mạng lưới cấp nước sạch khu vực nông thôn. Đáng chú ý, thành phố đặc biệt quan tâm tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn và cơ chế, chính sách đầu tư; kiên quyết điều chỉnh, thu hồi dự án không thực hiện hoặc chậm triển khai; xây dựng, ban hành giá bán nước phù hợp để thu hút người dân nông thôn sử dụng nước sạch…
Những giải pháp thành phố đưa ra khá toàn diện, yêu cầu hiện nay là các ngành chức năng và địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, trên tinh thần “vướng đâu gỡ đó” để dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch nông thôn sớm đủ điều kiện xây dựng, đi vào vận hành. Trong đó, với những dự án đã đủ điều kiện triển khai, ngành chức năng cần đôn đốc, giám sát chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện theo đúng cam kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn. Việc này rất quan trọng bởi khi người dân đồng thuận chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án; đồng thời sẽ tích cực đăng ký sử dụng nước sạch - yếu tố quyết định đến việc thu hút nhà đầu tư và hiệu quả của hệ thống cấp nước sạch nông thôn.
Người dân khu vực chưa được đầu tư công trình cấp nước tập trung cũng cần tích cực ủng hộ các dự án đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn để sớm được thụ hưởng nước sạch, bảo đảm sức khỏe cho chính mình và gia đình. Khi đã được dùng nước sạch, cần quan tâm giám sát chất lượng nước, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo cho ngành chức năng và đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, chắc chắn mục tiêu phủ kín mạng lưới cấp nước sạch khu vực nông thôn Hà Nội sẽ hoàn thành theo kế hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống dân sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.