(HNM) - Ngày 26-5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) TP Hà Nội đã họp phiên thứ nhất, đồng thời đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả trận mưa lớn kéo dài từ đêm 24 đến ngày 25-5.
Quan điểm của thành phố, thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thiên tai và phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Chu Phú Mỹ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT thành phố cho biết, trận mưa bất thường hai ngày vừa qua có cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn đã gây úng ngập 26 điểm trong nội thành; khu vực ngoại thành, diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu hơn 2.650ha. Ngay khi nhận được cảnh báo thiên tai, các cấp, các ngành của thành phố đã chỉ đạo khá quyết liệt ứng phó kịp thời, nhờ vậy đã sớm giải quyết tình trạng úng ngập trong nội thành. Tương tự, ở ngoại thành, trước khi xảy ra mưa lớn, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động tiêu kiệt nước đệm trong nội đồng và chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng nên không gây thiệt hại về kinh tế…
Qua việc ứng phó với trận mưa lớn diễn ra hai ngày qua cho thấy, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong PCTT. Ông Chu Phú Mỹ dẫn chứng: Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội báo cáo, đến 7h ngày 25-5 các vị trí úng ngập do ảnh hưởng của trận mưa từ đêm 24 đến rạng sáng 25-5 đã cơ bản rút nước, giao thông ổn định trên nhiều tuyến phố trong nội thành, nhưng thực tế đến 9h cùng ngày vẫn còn 16 điểm úng ngập… "Thông tin thiếu thống nhất sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai. Vì vậy dứt khoát phải xây dựng quy chế xác định rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm của sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương" - ông Chu Phú Mỹ đề nghị.
Ngoài ra, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT thành phố cho biết thêm, tính đến ngày 25-5, trên địa bàn thành phố còn 3 địa phương chưa tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016; có tới 18 địa phương chưa gửi phương án PCTT về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT thành phố. Trong khi các tỉnh, thành phố trang bị đầy đủ trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác tổng hợp, tham mưu của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT, thì Hà Nội vẫn thiếu nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dưới tác động của hiện tượng El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm nay khoảng 12 cơn. Diễn biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào 6 tháng đầu năm, nhưng tồn tại bão cường độ mạnh và nhiều bão hơn vào 6 tháng cuối năm khi hiện tượng ENSO trở lại trạng thái trung gian. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại, ông Chu Phú Mỹ cho biết, UBND thành phố đã giao Ban Chỉ huy PCTT thành phố tham mưu, chỉ đạo toàn diện công tác PCTT; kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai…
Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn thực hiện kế hoạch, phương án PCTT năm 2016 đã lập, đồng thời rút kinh nghiệm ngay một số hạn chế trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả trận mưa đêm 24 và ngày 25-5... Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT thành phố nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai đóng vai trò quan trọng. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương phải thực hiện tốt nhiệm vụ theo đúng Hướng dẫn số 12-HD/BTGTU của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 9-5-2016…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Duy trì chế độ thông tin, báo cáo kịp thời công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; 18/30 quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thiện phương án PCTT năm 2016; Sở NN&PTNT đôn đốc xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro, ứng phó với bão mạnh, siêu bão; kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi; hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ PCTT; rà soát, thống kê các khu nhà ở tập thể, chung cư cao tầng đã xuống cấp, khu nhà ở ngoài đê, sát bờ sông… không bảo đảm an toàn để chủ động phòng, chống; tổ chức phân luồng giao thông và chuẩn bị phương tiện ở những khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời các tình huống thiên tai; tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.