Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó thiên tai

Thế Phương| 04/08/2010 07:09

(HNM) - Ngày 2-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã đưa ra cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm khi đồng thời chịu tác động do độ trễ của ElNino và sự xuất hiện các điều kiện La Nina. Hệ lụy của nó là nắng nóng bất thường, mưa cục bộ lớn, bão lũ đến sớm và có thể diễn ra với cường độ mạnh...


Đúng như dự báo, mưa ầm ầm vào buổi sáng 3-8 rồi bất chợt nắng bung ra, tiết trời Hà Nội ngột ngạt. Tuy nhiên, phải kể đến màn dạo đầu nghiệt ngã của thiên tai là hai trận bão vừa qua đã khiến nhiều tỉnh, thành phố ở cả hai đầu đất nước rơi vào cảnh lụt lội. Rồi những trận lũ quét đổ xuống các tỉnh miền núi. Riêng trận lũ đêm 31-7 quét qua gần 10km từ thôn Vằng Kheo đến hết 16 thôn của xã Mỹ Phương, 14/19 thôn của xã Chu Hương và một số thôn của xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã cướp đi trên 400ha lúa, trong đó mất trắng 67ha, đất bị xói lở mất đất vĩnh viễn là 8,2ha... Thiệt hại bước đầu ước tính 13 tỷ đồng và nguy cơ thiếu đói mùa giáp hạt đang đón chờ người dân nơi đây.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định: Đó là những dấu hiệu báo trước, thời gian tới chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều mối họa bất thường.

Không nhắc lại những chuyện đáng buồn quanh việc dự báo về trận mưa lịch sử với cường độ trên 500mm tại địa bàn Hà Nội năm 2008 và cơn bão Chan Chu trên biển Đông năm 2006, cũng phải thừa nhận rằng, các hiện tượng thời tiết bất thường như lốc, tố, mưa đá vẫn còn là thách thức. Mặc dù bão và áp thấp nhiệt đới đã được dự báo kịp thời hơn và chính xác hơn nhưng để đưa ra một cơ chế cảnh báo thiên tai một cách hiệu quả không dễ dàng gì khi trang bị kỹ thuật và nguồn nhân lực của ta còn thiếu và rất yếu so với nhiều nước trên thế giới.

Về chủ động đối phó với thiên tai cũng có hàng loạt vấn đề từ cách quản lý phương tiện đi biển, tới sự chủ quan của người dân..., và cả sự vào cuộc rầm rộ của các phương tiện thông tin đại chúng. Nước ta mỗi năm phải gánh trên mình 5 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, chưa kể mưa lũ, lốc, tố... Do vậy, cách ứng phó với thiên tai cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp, không nên để xảy ra những xáo trộn lớn trong hoạt động của xã hội và nền kinh tế.

Phương châm 4 tại chỗ nhằm đối phó hiệu quả với thời tiết bất thường là một giải pháp phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhưng nếu chúng ta không có hệ thống thủy lợi, đê điều... đủ sức đáp ứng yêu cầu đối phó với mưa lũ, úng ngập, thì hiệu quả cũng không mang lại bao nhiêu. Trận mưa lịch sử năm 2008 là một ví dụ thực tế, Hà Nội không thể bơm nước đi đâu khi các tỉnh lân cận đều trong cảnh mênh mang nước.

Những thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cho thấy chúng ta đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã của thời tiết với những diễn biến khó lường. Thời tiết ấm lên toàn cầu làm cho hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra bất thường hơn, với tần suất cao hơn. Do vậy, ngoài những giải pháp tình thế với nhiều kịch bản được chuẩn bị nghiêm túc, công tác đối phó với thiên tai cần được đặt trong chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, chúng ta cần gấp rút xây dựng một chương trình tổng thể bao gồm cả việc quy hoạch cụm dân cư, thực hiện các phương pháp canh tác thích ứng... Chỉ như vậy mới có thể hy vọng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.