Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó sự cố hồ đập

Kim Nhuệ| 26/05/2021 06:23

(HNM) - Lòng hồ bị bồi lắng, thân đập bị sụt sạt, xuất hiện nhiều tổ mối… là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố hồ đập trong mùa mưa bão. Để bảo đảm an toàn công trình, giảm tổn thất do sự cố hồ thủy lợi gây ra, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đang tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó…

Công trình cải tạo, nâng cấp đập hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 31-5.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Với dung tích chứa khoảng 7 triệu mét khối nước, hồ thủy lợi Văn Sơn, nằm trên địa bàn 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) là công trình quan trọng chống lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, cung cấp nước tưới cho 342ha sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều hạng mục của hồ đã xuống cấp. Mái kè thượng lưu bị xô sạt; mặt đập làm bằng đất có nhiều "ổ gà" khiến nhiều đoạn không đạt cao trình thiết kế; thân đập (đoạn K0+500) có hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ…

Tương tự, một số hồ thủy lợi khác trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây… cũng có nhiều hạng mục xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Điển hình là tại tràn hồ Quan Sơn - Hồng Sơn - Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, thẩm lậu, cơ mái hạ lưu đập xây bằng đá bị lún, bong vỡ nhiều vị trí...

Nói về những hư hỏng này, ông Nguyễn Văn Trọng, người dân xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), sinh sống ngay sát hồ Tuy Lai đề nghị các cấp, ngành của huyện, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí kiên cố công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Đánh giá về chất lượng các hồ thủy lợi trên địa bàn thành phố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, Hà Nội có 117 hồ thủy lợi, trong đó, 6 hồ có dung tích trữ hơn 5 triệu mét khối, như các hồ: Suối Hai (huyện Ba Vì), Đồng Mô, Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây), Đồng Sương, Văn Sơn (huyện Chương Mỹ), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)… Do phần lớn các hồ này được xây dựng từ 30-40 năm trước bằng kỹ thuật thủ công, sử dụng vật liệu không đồng nhất, nên hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, ảnh hưởng đến sản xuất và an toàn của lực lượng tham gia chống lũ…

“Hằng năm, thành phố Hà Nội đều bố trí kinh phí tu sửa công trình để bảo đảm an toàn hồ chứa nhưng với số lượng nhiều, thiên tai, bão lũ lại thường xuyên xảy ra nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu…”, ông Đào Quang Khải nói.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích kiểm tra mực nước tại tháp cống hồ Suối Hai (huyện Ba Vì).

Kịp thời sửa chữa, khắc phục

Theo cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do biến đổi khí hậu nên mùa mưa lũ năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, việc bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, trong đó có các hồ xuống cấp, hư hỏng cần được quan tâm nhiều hơn…

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đầu năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi, các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ thủy lợi trên địa bàn; xác định rõ những công trình có nguy cơ mất an toàn, báo cáo cơ quan thẩm quyền đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí kịp thời sửa chữa, khắc phục, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm nay.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường, thực hiện chỉ đạo trên, đến nay đơn vị đã hoàn thành công tác kiểm định và xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ đập. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng 3 tình huống có thể gây ra sự cố hồ đập và các phương án ứng phó tương ứng.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích đang phối hợp với các huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây… phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ, áp dụng phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với tình huống sự cố hồ đập nếu xảy ra…

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, trước thực trạng các hồ đập trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, huyện đã cùng các xã nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của hồ Văn Sơn và Đồng Sương xây dựng phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản khi xảy ra sự cố; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, kịp thời ứng phó…

Tương tự, các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tập trung đánh giá hiện trạng công trình, xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hồ đập theo phương châm “4 tại chỗ” và phải hoàn thành trước ngày 31-5 tới…

Với nhiều giải pháp đang được các doanh nghiệp thủy lợi, các địa phương tích cực triển khai, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động phòng ngừa, tin tưởng rằng Hà Nội sẽ ứng phó kịp thời với các sự cố hồ đập có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó sự cố hồ đập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.