Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó, hành động thiết thực

Dục Tú| 26/05/2014 04:19

(HNM) - Những ngày này, du lịch là ngành chịu tác động cụ thể, ngay lập tức từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có thể thấy được một cách rõ ràng là sự thiếu vắng lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đến Việt Nam.

Theo chiều ngược lại, lượng du khách Việt Nam hủy tour đến Trung Quốc là hiện tượng phổ biến. Ngoài ra, cũng cần tính đến hiệu ứng không có lợi từ chính trường Thái Lan, vốn đã "nóng" trong vài ngày qua, có thể gây ảnh hưởng đến việc tổ chức các tour du lịch đến nước này trong thời gian tới… Tuần qua, thông tin về buổi làm việc của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại TP Đà Nẵng cho thấy từ giữa tháng này, lượng khách Trung Quốc tới Đà Nẵng giảm tới gần 2/3 so với trước. Liên quan đến các tour tới Thái Lan, cuối tuần qua, ngành du lịch đã có khuyến cáo đối với các công ty lữ hành quốc tế, lưu ý việc đưa khách đến các vùng có khả năng xảy ra xung đột tại nước này. Theo quan điểm của chuyên gia du lịch, nếu tình hình bất ổn còn kéo dài, khả năng du lịch Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất định trong tháng cao điểm sắp tới.

Những động thái nói trên ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành du lịch, cho thấy Việt Nam cần phải có hành động ứng phó hiệu quả trước sự thay đổi về thị trường khách. Hai vấn đề cơ bản là mở thị trường mới đi đôi với việc nâng cao khả năng khai thác thị trường truyền thống và phát triển du lịch nội địa. Muốn đạt được mục tiêu quan trọng này, điều cốt yếu mà ngành du lịch cần hướng tới, phải thực hiện bằng được là nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn hình ảnh của một điểm đến thân thiện, hiền hòa. Nói một cách khác: Cần nhanh chóng dẹp bỏ cung cách làm ăn chộp giật, từng bước loại trừ nạn "chặt chém" nhằm giữ chân khách, khiến họ muốn đến Việt Nam và có thể nói tốt về những tour du lịch đến Việt Nam. Ngoài ra, cần thúc đẩy chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài, khẳng định quan điểm bảo vệ an toàn cho du khách, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn.

Đề ra kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp chung không phải điều khó, cái khó nằm ở chỗ triển khai hành động thiết thực để tạo hiệu quả cụ thể. Tức là nói được thì phải làm được, nói đi đôi với làm chứ không phải nói rồi để đó, hoặc mạnh ai nấy làm, vì lợi ích riêng, lợi ích ngắn hạn mà bỏ qua lợi ích dài hạn của cả ngành du lịch Việt Nam.

Ít ngày qua, ở một số nơi đã có những việc làm thiết thực nhằm giữ gìn hình ảnh điểm đến, cho thấy lãnh đạo địa phương đã có phương án ứng xử phù hợp nhằm giữ gìn môi trường du lịch. Tại Sầm Sơn, một số nhà hàng nâng giá bán một bát phở cao hơn giá niêm yết chỉ 5.000 đồng, lập tức bị quản lý thị trường phạt hành chính với mức phạt lên đến hơn chục triệu đồng. Tại Hội An, việc ban hành quy định liên quan đến vé vào tham quan phố cổ đã gây hiệu ứng rộng rãi trong dư luận. Chính quyền địa phương đã phải giải trình phương án phát hành vé, người dân đóng góp ý kiến liên quan và đã được tiếp nhận, xem xét một cách nghiêm túc. Đó là những ví dụ cho thấy các điểm đến quan trọng ở Việt Nam đang hướng mạnh về mục tiêu bảo đảm gìn giữ môi trường du lịch lành mạnh, minh bạch nhằm nâng cao sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Ngành du lịch Việt Nam đang đối diện với thách thức nhất định, bao gồm cả khó khăn do khả năng cắt giảm lượng khách không nhỏ từ thị trường truyền thống. Tuy vậy, trong thách thức có cả cơ hội - cơ hội chủ động tìm kiếm thị trường mới, cơ hội để dứt khoát cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển mới. Điều quan trọng là cần có giải pháp cơ bản cho toàn hệ thống, tất cả cùng kiên trì thực hiện theo mục tiêu chung, thay vì từng nhóm điểm đến tự vận động hoặc đề ra mục tiêu rồi bỏ đấy.

Lúc này, cần có thái độ ứng xử "nói đi đôi với làm", nhiệm vụ của ngành du lịch cũng như các ngành khác không chỉ là thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành mình, mà cần phải hướng đến mục tiêu nâng cao nội lực Việt Nam, góp phần thiết thực vào sự nghiệp kiến thiết đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó, hành động thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.