Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động từ sớm, từ xa

Bắc Vũ| 16/03/2023 06:03

(HNM) - Với những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, công tác phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu luôn đòi hỏi phải chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa; đặc biệt là không được phép chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến những hiện tượng thiên tai bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng, miền cả nước. Riêng năm 2022 đã có hơn 1.000 trận thiên tai xảy ra, khiến 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 19.453 tỷ đồng; tương đương gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Dẫn một vài số liệu để thấy, thiên tai luôn khốc liệt, khó đoán định và thường gây thiệt hại rất lớn.

Năm nay, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông; trong đó có 5-6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đáng chú ý, từ nửa cuối tháng 6, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực Biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp, khó lường.

Để chủ động ứng phó trước những thách thức và diễn biến khó lường của thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xây dựng và thực hiện hiệu quả, đồng bộ hệ thống giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chuyên ngành về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, khai thác hiệu quả dữ liệu về dự báo, cảnh báo thiên tai. Đặc biệt, cần thực hiện tốt hơn công tác truyền thông phòng, chống thiên tai để thông tin kịp thời đến người dân về kỹ năng nhận biết, ứng phó với thiên tai.

Ứng phó thiên tai luôn là nhiệm vụ cấp bách, do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Quán triệt nghiêm túc tinh thần “nước xa không cứu được lửa gần”, vì vậy, trong phòng, chống thiên tai phải thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu để chủ động ứng phó khi tình huống thiên tai xảy ra.

Đối với các địa phương có đê, tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không bảo đảm an toàn; kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15-5-2023 theo đúng tinh thần tại Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 1-3-2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30-12-2022); qua đó triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn bộ các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đều phải hướng đến mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động từ sớm, từ xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.