Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Vĩnh Hà| 27/06/2021 06:31

(HNM) - Việc mới đây Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số sản phẩm đường mía Thái Lan nhằm bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước, song cũng là hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp trong việc chủ động ứng phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng về vấn đề này.

Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp để bảo vệ ngành mía đường trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong ảnh: Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Trình Kế

- Từ vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số sản phẩm đường mía Thái Lan, xin ông cho biết những vấn đề đang đặt ra với công tác phòng vệ thương mại tại thị trường trong nước là gì?

- Trước thực tế lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam năm 2020 tăng 330,4% so với năm 2019, gây thiệt hại cho ngành sản xuất đường trong nước, tháng 9-2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương đã có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Ngày 15-6-2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước. Đến nay, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm sâu, giá đường sản xuất trong nước nhích lên, giá thu mua mía tăng 100.000-200.000 đồng/tấn.

Qua đó cho thấy, để chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc triển khai biện pháp ứng phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm sử dụng kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại.

- Ngoài mía đường, theo ông, còn ngành hàng nào có thể bị cạnh tranh không lành mạnh?

- Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, trợ cấp hoặc hiện tượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến cũng xuất hiện, chủ yếu ở nhóm hàng sắt thép, hóa chất, thực phẩm... Xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 22 vụ việc phòng vệ thương mại, với các sản phẩm thép, kính nổi, phân bón, nhôm thanh định hình, ván gỗ, sợi, đường... Số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm trong nước tăng rõ rệt, với 11 vụ được khởi xướng điều tra trong hai năm 2019-2020. 

- Xin ông cho biết thiệt hại với các ngành hàng khi bị hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh?

- Khi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước được thể hiện khá rõ qua sự suy giảm về sản lượng, doanh thu, năng suất, lợi nhuận, dòng tiền, hiệu quả đầu tư, lao động, tiền lương... Các doanh nghiệp không bán được hàng do không cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp, dẫn tới phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, người lao động bị mất việc làm… Về dài hạn, khi các doanh nghiệp trong một ngành hàng phá sản có thể dẫn tới tình trạng mất đi ngành sản xuất đó và phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra là thiệt hại gián tiếp của các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào, như vụ việc bán phá giá của đường mía Thái Lan đã ảnh hưởng tiêu cực tới hơn 90.000 hộ nông dân trồng mía Việt Nam.

- Trước thực tế nêu trên, Bộ Công Thương có giải pháp gì để bảo vệ sản xuất trong nước?

- Với hàng hóa Việt Nam bị khởi kiện, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, cảnh báo sớm nguy cơ, cung cấp thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc, tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra… Nhờ đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá basa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức thấp. 

Cùng với đó, việc khởi kiện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng được Bộ Công Thương chú trọng, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, ngành hàng. Bộ tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao hiểu biết về những căn cứ cơ bản để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi cần. Ngoài ra, cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ được áp dụng có thời hạn, cho tới khi môi trường cạnh tranh bình đẳng được thiết lập. Do đó, năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất trong nước vẫn là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển trong quá trình hội nhập.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.