Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động trong mọi tình huống

Chí Kiên| 10/11/2020 06:13

(HNM) - Một tín hiệu tích cực là bình quân 10 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi lạm phát chỉ tăng 2,52%. Nhìn vào những con số này cùng những diễn biến kinh tế - xã hội khá tốt hiện nay có thể khẳng định, chỉ số CPI đang nằm trong tầm kiểm soát.

Có được kết quả trên, trước hết phải khẳng định sự quản lý, điều hành rất đúng, trúng và kịp thời từ đầu năm đến nay của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, phải kể đến hệ thống giải pháp chủ động thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, nhiều chính sách nổi bật như triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nguồn cung các loại hàng hóa, góp phần ổn định thị trường.

Tuy vậy, theo quy luật, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, lại chịu tác động bởi yếu tố ngoại cảnh như ảnh hưởng của dịch Covid-19, mưa lũ ở miền Trung, bệnh Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu tái phát… thì chỉ số CPI cần phải lưu tâm hơn.

Chủ động hóa giải khó khăn, thách thức, bảo đảm mục tiêu khống chế được CPI tăng dưới 4% trong năm 2020, các ngành chức năng, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 9021/VPCP-KTTH ngày 29-10-2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về những định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020. Điểm cần lưu ý là các ngành chức năng, địa phương theo nhiệm vụ được giao cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành thời gian qua, từ đó có giải pháp tương ứng, sát thực cho thời gian từ nay đến cuối năm. Trong đó, những yếu tố “nhạy cảm” với chỉ số CPI phải chú ý nhiều là nhu cầu vận tải tăng; lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu, nhất là thịt lợn, bánh mứt kẹo... sẽ cao; diễn biến giá xăng dầu…

Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng là phải luôn theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới để kịp thời đưa ra kịch bản, đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá... Đặc biệt, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và thuộc danh mục kê khai giá…; ngăn chặn kịp thời hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Bên cạnh tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung cấp hàng hóa chất lượng và ổn định, các doanh nghiệp cần cân đối tốt cung - cầu, thực hiện nghiêm chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn… Muốn làm tốt việc này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn lực tài chính, thường xuyên khảo sát để nắm bắt nhu cầu thị trường… Ở góc độ người tiêu dùng, cần có kế hoạch mua sắm hàng thiết yếu cho gia đình, không nên để đến những ngày cận Tết mới "đi chợ", sẽ gây áp lực cho chính bản thân và cả thị trường. Nếu phát hiện những biểu hiện bán hàng gian dối, người dân cần báo ngay cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Chủ động trong mọi tình huống chính là “chìa khóa” để kiểm soát thành công CPI tăng dưới 4% trong năm 2020, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trong mọi tình huống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.