(HNM) - Với hơn 7 triệu dân, cùng hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn của cả nước. Trong khi đó, Ngành Nông nghiệp Thủ đô mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về rau và khoảng 50% nhu cầu về thịt.
(HNM) - Với hơn 7 triệu dân, cùng hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn của cả nước. Trong khi đó, Ngành Nông nghiệp Thủ đô mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về rau và khoảng 50% nhu cầu về thịt. Việc nhập nông sản, thực phẩm từ các địa phương khác là tất yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, với đặc trưng mùa vụ, nông dân không ít địa phương, đặc biệt là những tỉnh lân cận hoặc nơi có những loại nông sản, thực phẩm đặc trưng rất vất vả trong việc tiêu thụ mỗi khi vào chính vụ. Thế là, “mạnh ai nấy lo”, vào vụ mùa nông sản nào, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt “cửa hàng hoa quả lưu động” bán loại nông sản đó như: Nhãn, vải, dưa hấu... Giá thì “thuận mua, vừa bán”, chất lượng thì khó phân biệt thật giả.
Nói như vậy không phải là thành phố và các địa phương chưa quan tâm tới việc liên kết tiêu thụ, cung cấp nông sản cho nông dân. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao của người dân, thành phố luôn chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa nông sản an toàn, chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Thành phố đã chủ động liên kết với nhiều địa phương trong cả nước về tiêu thụ nông sản. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Tư vấn, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm an toàn để kết nối, giúp người tiêu dùng Thủ đô dễ dàng tiếp cận nông sản an toàn, chất lượng cao từ khắp các vùng miền Tổ quốc.
Đó là chưa kể thành phố cũng thường xuyên tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm... để các địa phương giới thiệu, quảng bá nông sản. Các doanh nghiệp ở thành phố cũng đã vào cuộc tích cực, ký hợp đồng đưa hàng trăm chủng loại nông sản về các kênh tiêu thụ để đưa sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Hệ thống siêu thị ở Hà Nội như: Hapro, Fivimart, Intimex, Vinmart... cũng luôn rộng cửa, sẵn sàng kệ hàng cho nông sản an toàn đến từ khắp mọi miền…
Vậy tại sao, việc tiêu thụ nông sản vẫn gặp khó khăn, vướng mắc? Tại sao nông dân, tiểu thương vẫn phải bày bán nông sản tràn lan trên các tuyến phố mỗi khi vào chính vụ? Nguyên nhân thì nhiều, cả chủ quan, cả khách quan, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thì công tác liên kết chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung. Các doanh nghiệp đương nhiên muốn có nguồn nông sản bảo đảm an toàn, chất lượng cao, giá thành hợp lý để nhập về cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Thế nhưng, nền sản xuất nông nghiệp nước ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, do vậy việc quản lý chất lượng gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất manh mún cũng chính là nguyên nhân dẫn tới khi vào chính vụ, hoa quả chín rộ khiến “được mùa, rớt giá”, nông dân phải tìm mọi cách “bán tống, bán tháo” thay vì để thối rữa, hư hỏng...
Đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng ngày càng khó tính đòi hỏi nỗ lực đến từ cả hai phía. Các cơ quan chức năng thành phố cần tích cực hơn với vai trò “cầu nối”, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thu mua nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, thực hiện cơ chế đặt hàng với nông dân các địa phương. Các địa phương có thế mạnh cũng cần quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng nông sản để thuyết phục doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Khi các địa phương, doanh nghiệp và nông dân tìm được tiếng nói chung, chắc chắn sẽ tạo ra những chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đây chính là vấn đề mấu chốt. Được biết, đến quý III, cả nước đã có 45 địa phương xây dựng được 382 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và khoảng 100 chuỗi đã được cấp giấy xác nhận chất lượng. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ và đòi hỏi các bên vẫn cần tiếp tục chủ động tìm đến nhau, tăng cường liên kết trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.