(HNM) - Theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn nhiều
Mặc dù Quốc hội đã thông qua tỷ lệ bội chi NSNN cho năm 2014 ở mức 5,3%, song theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn nhiều "địa chỉ" có thể cắt giảm chi tiêu, giúp giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Việc theo đuổi chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm là lời giải duy nhất nhằm hạn chế tình trạng chi tiêu ngân sách (NS), lãng phí và kém hiệu quả.
Chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm là lời giải duy nhất nhằm hạn chế tình trạng chi tiêu ngân sách dàn trải, kém hiệu quả. |
Bội chi tăng do "bộ máy" cồng kềnh?
Theo Bộ Tài chính, 2 tháng đầu năm 2014, nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm thực hiện theo đúng tiến độ, qua đó bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng lĩnh vực chi đầu tư XDCB, do thời điểm Tết Nguyên đán chỉ có một số dự án quan trọng vẫn tổ chức thi công để bảo đảm tiến độ nên số thanh toán đạt thấp (14,2% dự toán), trong đó chủ yếu tập trung cấp ứng vốn cho dự án thuộc kế hoạch năm 2014 và tiếp tục thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành trong kế hoạch năm 2013 chuyển sang.
Để bù đắp bội chi NS và phục vụ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã phát hành 51.889 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tương đương 17,5% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014.
Mặc dù các nhiệm vụ chi NSNN đã được thực hiện theo đúng kế hoạch, song việc cắt giảm bội chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Thực trạng NS những năm qua là tình trạng nợ đọng phải thanh toán cao, tỷ lệ thu phí và động viên vào NS đang giảm dần qua 3 năm gần đây. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây thiếu hụt nguồn thu, có cả nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém trong quản lý điều hành NS, thanh toán nợ đọng và phân bổ TPCP. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2014-2016, Chính phủ sẽ phải phát hành 170.000 tỷ đồng TPCP để bù đắp bội chi. Như vậy, giai đoạn này, chúng ta phải huy động mỗi năm hơn 400 nghìn tỷ đồng, một con số rất lớn. Việc thực hiện lộ trình này sẽ khiến nỗ lực giảm bội chi NS cho những năm tiếp theo trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó trên thực tế, những "địa chỉ" có thể bổ sung nguồn thu NSNN gồm đất đai, dầu khí, khoáng sản, chuyển giá lậu, trốn lậu thuế... "Địa chỉ" có thể giảm chi được là: Mua sắm trụ sở, khởi công, khánh thành, kỷ niệm đoàn ra, đoàn vào và đặc biệt là bộ máy biên chế ngày càng "phình" ra không thể quản lý, kiểm soát. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, "bộ máy" hành chính cồng kềnh, tình trạng lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động làm việc hiệu quả đã khiến số tiền NS dành để chi trả lương ngày càng tăng. Hiện, không còn Bộ nào chỉ có 4 Thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Cá biệt có Bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng. Với bộ máy như vậy, việc tăng chi NS là khó tránh.
Những giải pháp cắt giảm chi tiêu
Sớm xác định khó khăn kinh tế sẽ còn tiếp tục trong năm 2014, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NĐ-CP, nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp điều hành nhằm thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2014. Một trong những giải pháp hàng đầu được Chính phủ chỉ đạo là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2014 cho các Bộ, cơ quan TƯ theo đúng chế độ. Cùng với việc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, việc mua sắm tài sản từ nguồn dự toán NSNN năm 2014 cũng tiếp tục được siết chặt thông qua quy định: Không mua sắm xe công phục vụ các chức danh nhằm thắt chặt các khoản chi tiêu NS...
Tại cuộc họp ngày 11-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết không bố trí vốn cho 9 dự án sử dụng vốn TPCP, trên cơ sở rà soát lại việc phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 cho các dự án, công trình dở dang. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không chạy theo nhu cầu tăng tổng mức đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương rồi cố huy động nguồn vốn. 9 dự án không được bố trí vốn sẽ tạm đình hoãn để xử lý sau, hoặc chuyển đổi hình thức vì chưa thấy rõ hiệu quả đầu tư.
Những quyết định kịp thời của Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai ngay trong những tháng đầu năm 2014, song theo các chuyên gia, việc giải bài toán cắt giảm chi tiêu công trên thực tế không đơn giản. Xét về nguyên tắc, khi kinh tế khó khăn, NS thâm hụt, hầu hết các quốc gia đều cắt giảm NS thông qua việc cắt giảm lương, trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thay vì giảm lương, Bộ Tài chính cần siết chặt quản lý, truy thu thuế với những đối tượng gian lận nhằm hạn chế tình trạng "chảy máu" NS. Bởi, nếu làm tốt điều này vẫn có thể không cần giảm lương, nâng cao hiệu quả của người lao động mà vẫn có thể tăng thu NS. Cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, việc tinh giản "bộ máy" hành chính đang trong tình trạng quá cồng kềnh cũng cần sớm được thực hiện nhằm giảm bớt những gánh nặng cho NSNN.
Báo cáo do Bộ Tài chính công bố ngày 12-3 cho thấy, tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 65.710 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm, lũy kế chi ước đạt 150.070 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 14,3% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt 15,9% dự toán. Khoản chi phát triển sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước trong 2 tháng đầu năm đạt 15,3% dự toán, bằng 105,2% so với cùng kỳ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.