Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động tăng cường kết nối đường bộ liên tỉnh, liên vùng

An Tôn| 21/03/2023 17:30

(HNMO) – Cùng với việc phối hợp triển khai các dự án hạ tầng giao thông từ nguồn vốn Trung ương, nhiều địa phương Đông Nam Bộ cũng chủ động phối hợp đầu tư cầu, đường kết nối, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội liên tỉnh, liên vùng.

Một số dự án kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Đông Nam Bộ.

Bình Dương và Bình Phước là 2 tỉnh được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ. Với vị trí địa lý thuận lợi hơn, tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh và mạnh hệ thống đường bộ, từ đó tạo nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế. Còn Bình Phước có vai trò “cửa ngõ” nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia, nhưng mới chỉ có các quốc lộ 13 và 14. Vì vậy, địa phương rất mong muốn có thêm nhiều tuyến đường khác kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Năm 2023, dự án quan trọng nhất mà 2 địa phương này đang phối hợp triển khai là dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước). UBND tỉnh Bình Dương được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hướng tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước.

Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Vân (tỉnh Bình Dương) đến tỉnh Bình Phước dài 45,6km với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2 sẽ nâng lên 6 làn xe và xây thêm một số cầu vượt, hầm chui, đường nhánh. Hai địa phương còn thống nhất khảo sát, tính toán hướng tuyến và phương án kết nối các tuyến đường tỉnh và đường huyện giáp ranh với đường cao tốc này. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh thông tin, 2 địa phương còn thống nhất triển khai các dự án đường bộ kết nối khác như đường Hồ Chí Minh, nâng cấp quốc lộ 13 tạo tuyến qua kênh Phước Hòa nối huyện Bàu Bàng của Bình Dương với thị xã Chơn Thành của tỉnh Bình Phước; triển khai xây dựng tuyến đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối các khu công nghiệp của 2 địa phương đến Cảng thủy nội địa An Tây, Rạch Bắp..

Còn Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt để phát huy lợi thế cảng biển thuộc hàng lớn nhất nước tại Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước đang được xây dựng tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và nhiều khu công nghiệp giữa hai địa phương.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hiện hai tỉnh đang kết nối chính qua quốc lộ 51 (8 làn xe) và quốc lộ 56 (2 làn xe) và một số tuyến tỉnh lộ. Tuy nhiên, quốc lộ 51 đã quá tải trầm trọng, còn quốc lộ 56 và các tỉnh lộ lại không đi qua những vùng phát triển công nghiệp và cảng biển, đường nhỏ hẹp… nên còn ít phương tiện qua lại. Cùng với việc phối hợp thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với sự trợ giúp vốn từ Trung ương để tăng năng lực lưu thông, 2 địa phương còn triển khai nhiều dự án khác...

Trên quy mô liên vùng, đầu tháng 3-2023, Chủ tịch UBND các địa phương trong Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng bàn bạc, thống nhất thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng. Ngoài các dự án đường Vành đai 3 và 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành còn triển khai nhiều dự án khác.

Các địa phương phía Nam phối hợp triển khai nhiều dự án đường bộ, đường sắt liên vùng.

Cụ thể, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp xây dựng phương án xây cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2. Bình Dương và Đồng Nai thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu kết nối các huyện của 2 tỉnh và bổ sung 1 điểm kết nối giữa thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã rà soát, bổ sung 7 vị trí kết nối gồm 6 vị trí trên địa bàn huyện Long Thành và 1 vị trí trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. 

Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp nghiên cứu phương án nối dài tuyến đường sắt đô thị số 1 từ thành phố Thủ Đức đến tỉnh Bình Dương; phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng phương án tạo tuyến đường sắt từ Bàu Bàng đến Biên Hòa và nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Những dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng nói trên không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi tỉnh, thành mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cho cả phía Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động tăng cường kết nối đường bộ liên tỉnh, liên vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.