(HNMO) - Sáng 1-7, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2021 trên địa bàn quận Đống Đa.
Lắp camera giám sát tại các điểm thi
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ cho biết, quận có 4.950 học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Trên địa bàn có 10 điểm thi, 206 phòng thi chính thức, 20 phòng thi dự phòng, mỗi phòng bố trí tối đa 24 học sinh bảo đảm quy định về giãn cách. Đến chiều 30-6, toàn quận không có học sinh diện F0, F1, F2.
Để tổ chức tốt kỳ thi, 10/10 điểm thi đã xây dựng phương án, kịch bản phòng dịch; phương án khi các ngày thi thời tiết xấu, xảy ra tình huống về an ninh, trật tự… Các điểm thi đều được lắp camera giám sát; bố trí 1 địa điểm thuận lợi cách điểm thi khoảng 50m để phụ huynh dừng đỗ khi đưa đón con.
Mỗi điểm thi chuẩn bị tối thiểu 1 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly; 2 cán bộ y tế trực tại chỗ để xử lý các tình huống phát sinh. Trung tâm y tế quận sẽ tổ chức khử khuẩn tại tất cả các điểm thi trước khi diễn ra kỳ thi 1 ngày và phun khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung, Bí thư Quận ủy Đống Đa cho biết, quận đã kiện toàn và duy trì hoạt động của 228 Tổ Covid-19 cộng đồng với 1.876 nhóm và 4.623 thành viên. Quận cũng đang duy trì 61 chốt trực với 302 thành viên tại các điểm công cộng sẵn sàng xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Từ ngày 27-4 đến nay, quận đã xử phạt vi phạm hành chính 753 trường hợp không đeo khẩu trang, 2 trường hợp đăng tin sai sự thật, 1.190 trường hợp bán hàng rong... với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Chủ động xử lý các tình huống phát sinh
Phát biểu ý kiến, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên Đoàn kiểm tra lưu ý quận Đống Đa nâng cao vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát di biến động dân cư, tăng cường phòng, chống dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, quận cần bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống gian lận trong kỳ thi; tổ chức thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá, quận Đống Đa là địa bàn tiêu biểu trong thực hiện các nguyên tắc, phương châm chung trong phòng, chống dịch của thành phố.
Thời gian tới, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu quận Đống Đa phát huy phát huy sức mạnh của các Tổ Covid-19 cộng đồng trong tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở khi thành phố nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Quận cũng cần dành nguồn lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin của thành phố một cách nhanh nhất nhưng phải bảo đảm an toàn; đồng thời phối hợp quản lý di biến động dân cư đi, đến các địa phương đang có ổ dịch.
“Quận cũng cần đi trước một bước trong kiểm tra, khám sàng lọc nguy cơ tại các bệnh viện, khu đông dân cư, chợ, khu vực tập trung đông người“, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.
Nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có thời gian dài hơn, thí sinh dự thi đông hơn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu quận Đống Đa xây dựng các phương án bảo đảm phân luồng giao thông tại các điểm thi; không chủ quan đối với các tình huống bất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, cần bám sát chỉ đạo của thành phố, rà soát lại tất các các khâu tổ chức kỳ thi, các tình huống có thể phát sinh để chủ động xử lý.
* Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kiểm tra công tác chuẩn bị và diễn tập phương án phòng, chống dịch tại điểm thi Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa). Đây là 1 trong 10 điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên địa bàn quận Đống Đa với tổng số 18 phòng thi, hơn 400 thí sinh.
Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết, kỳ thi lần này có nhiều điểm khác: Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, số lượng thí sinh đông hơn, số lượng cán bộ coi thi nhiều hơn, ngày thi tổ chức vào ngày thường nên lưu lượng giao thông lớn… Vì vậy có thể nói rằng kỳ thi này rất đặc biệt, do đó, mọi công tác chuẩn bị phải thật kỹ lưỡng để không xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, đảm bảo mục tiêu “vừa chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng kỳ thi”.
Ghi nhận quy trình thực hiện diễn tập tại điểm thi trải qua 5 bước, từ trước khi thí sinh tới điểm thi đến khi thí sinh hoàn thành bài thi, ra khỏi phòng thi. Thí sinh đến điểm thi, sau khi đo thân nhiệt và xịt khuẩn ra bảng xem sơ đồ, tình nguyện viên sẽ hướng dẫn lên các phòng thi: Trong phòng thi, thí sinh được sắp xếp ngồi so le, giãn cách. Trong thời gian thi, cán bộ coi thi rà soát để kịp thời phát hiện tình huống phát sinh. Khi kết thúc bài thi, thí sinh được phân luồng, lần lượt ra về, đảm bảo giãn cách.
Ban tổ chức cũng xây dựng kịch bản chi tiết 5 tình huống phát sinh đối với thí sinh tại điểm thi. Còn đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi: Nếu thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong khu vực bị phong tỏa không tham gia vào các khâu của kỳ thi; 100% thành viên của điểm thi phải thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code hoặc các phần mềm ứng dụng khai báo y tế và đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ trong mỗi buổi thi và thực hiện các nguyên tắc phòng dịch Covid-19.
Sau quá trình diễn tập, Ban Chỉ đạo thi của thành phố sẽ căn cứ tình hình thực tế, họp với các điểm thi về các tình huống sau diễn tập để xử lý tốt các tình huống phát sinh; đồng thời tiếp tục chuẩn bị kỹ các phương án nhằm phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường, các cơ quan đơn vị và lực lượng tham gia phục vụ thi tại các điểm thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.