Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phương án ứng phó

Hoàng Hà| 04/04/2022 06:13

(HNM) - Hệ thống đê kè nói riêng và công trình chống lũ nói chung có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng, tài sản của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tính mạng của nhân dân khi xảy ra mưa lũ. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu, cộng với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, tác động của con người…, nhiều đoạn đê kè trên địa bàn Hà Nội đã bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, hằng năm, thành phố đã dành nguồn lực không nhỏ để đầu tư khắc phục, nâng cấp hệ thống đê kè nhằm đủ sức chống chọi với mưa lũ.

Song, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc triển khai các dự án khắc phục công trình chống lũ vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ, trong khi mùa mưa bão năm 2022 đã cận kề. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022, mùa mưa bão có thể đến sớm hơn mọi năm, khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cực đoan. Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, các cấp, ngành, địa phương thuộc thành phố Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn công trình chống lũ.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào công trình chống lũ an toàn mới có thể thực hiện được nhiệm vụ ngăn lũ, chống lũ. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay các cấp, ngành, địa phương phải triển khai là tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê kè bảo đảm chất lượng theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Song song đó là đẩy mạnh giám sát thi công, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình triển khai dự án. Đối với nhà thầu thi công, cần huy động nhân lực, vật lực, ứng dụng công nghệ thi công, máy móc hiện đại nhất, có phương án thi công hiệu quả để hoàn thành dự án trước mùa mưa lũ.

Trước thực trạng hệ thống đê kè của Hà Nội ngày càng xuống cấp, ngành Nông nghiệp cần kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình, trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn để bố trí kinh phí khắc phục kịp thời, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Đồng thời, theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn công trình chống lũ.

Về phía chính quyền địa phương, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão, cần chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình chống lũ; thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng bảo đảm ứng phó kịp thời khi có sự cố.

Một trong những thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn đê điều hiện nay là tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp. Do đó, để khắc phục vi phạm cũng như bảo vệ sự an toàn của công trình chống lũ, các ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm từ khi mới phát sinh. Với vi phạm cũ, phải rà soát, xây dựng phương án xử lý dứt điểm, nhất là vi phạm xảy ra ở những vị trí xung yếu, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống đê kè... 

Triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động triển khai sớm phương án ứng phó sẽ góp phần vừa bảo đảm an toàn công trình chống lũ, vừa hạn chế hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phương án ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.