(HNM) - Theo dự báo trong năm 2018 này, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường như mưa bão có thể đến sớm, mực nước trên các sông giảm, các hiện tượng dông, lốc gia tăng...
Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt cho các bộ, ngành, địa phương và lực lượng phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cơ quan Khí tượng thủy văn... nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra do thời tiết bất thường.
Biến đổi khí hậu tác động kéo theo nước sông Hồng cạn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Thắng |
Mùa mưa bão sẽ đến sớm
Trên cơ sở kết quả quan trắc, phân tích trong tháng 2-2018, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, trong tháng 3 và tháng 4, không khí lạnh tiếp tục tác động đến khu vực phía Bắc, nhưng với cường độ và tần suất giảm dần. Mùa hè năm nay, nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và có khả năng không kéo dài, không gay gắt so với những năm trước.
Về lượng mưa, từ tháng 3 đến 4-2018, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 30%. Còn tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ có lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ nửa cuối tháng 4 và trong tháng 5, lượng mưa có xu hướng tăng dần, đạt mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 30%. Đặc biệt, dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ đến sớm. Từ tháng 4 và tháng 5 trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ gia tăng hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá...
Về thủy văn, dự báo từ tháng 3 đến 5-2018, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ có xu hướng giảm. Nguồn nước trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn từ 5 đến 15%. Tuy nhiên, trên lưu vực sông Thao, sông Lô và hạ lưu sông Hồng thuộc khu vực Việt Bắc, nguồn nước sẽ thiếu hụt từ 10 đến 30%. Dự báo trong tháng 3, mực nước trên sông Hồng, tại trạm đo Long Biên (TP Hà Nội), có khả năng chỉ đạt từ 0,3 đến 0,4m. Điều này sẽ gây bất lợi cho 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội trong công tác lấy nước tưới dưỡng lúa vụ xuân.
Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), hiện nay, đơn vị đang gấp rút tổng hợp số liệu, phân tích kết quả quan trắc mới nhất để có nhận định chính xác hơn về xu thế thời tiết năm 2018.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo
Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp: Huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai… Trong đó, việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai phải được coi là nhiệm vụ quan trọng.
Theo ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra, các quốc gia cần quan tâm 3 vấn đề: Thứ nhất, mỗi quốc gia cần thiết lập một mạng lưới quan sát rộng khắp trên mặt đất, trên không, trên biển cũng như từ không gian. Đây là điều bắt buộc để cung cấp dữ liệu hỗ trợ dự báo và cảnh báo sớm cho các sự kiện thời tiết và khí hậu cực đoan. Thứ hai, khả năng chống chọi của xã hội đối với các sự kiện thời tiết và khí hậu cực đoan phải được xây dựng dựa trên những tiến bộ khoa học và công nghệ dự báo. Thứ ba, các quốc gia cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai…
Đáng lưu ý, để cơ quan khí tượng thủy văn chủ động trong công tác hợp tác quốc tế về công nghệ dự báo, cảnh báo, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai…, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổng cục Khí tượng thủy văn, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, từ ngày 9-3-2018, Tổng cục Khí tượng thủy văn chính thức đi vào hoạt động. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Lê Thanh Hải, để thực hiện tốt 17 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục đang tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và những hạn chế trong xây dựng mạng lưới thám sát thiên tai, công nghệ dự báo, trình độ dự báo… đang tạo ra những khó khăn, thách thức mới trong công tác dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam.
Để ứng phó với những diễn biến khó lường của thời tiết, trước hết cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời, vận động nhân dân thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm chủ động đối phó trong tình huống thực tế... và qua đó hạn chế được những thiệt hại không đáng có do thiên tai gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.