Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng chống thiên tai

Phạm Thanh Học| 10/05/2017 06:43

(HNM) - Năm 2016 có 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 1 và bão số 3 ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội. Bão số 1 tuy không đổ bộ trực tiếp vào thành phố nhưng đã gây ra gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa lớn, khiến hơn 30 nghìn cây xanh, gần 5 nghìn héc ta diện tích nông nghiệp bị thiệt hại.


Đẩy mạnh tuyên truyền

Năm 2017 được dự báo là năm tiếp tục có diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường về thời tiết. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng; các loại hình thiên tai như: Mưa lũ lớn, hạn hán, sạt lở đất, nắng nóng diễn ra nghiêm trọng hơn. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt một số nội dung sau:

Chủ động khơi thông dòng chảy trên sông Kim Ngưu, một trong những biện pháp thoát nước nhanh khi có mưa lớn xảy ra. Ảnh: Thái Hiền



Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia làm tốt nhiệm vụ công tác phòng, chống lụt bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai năm 2017. Tổ chức kiểm tra ngay các tuyến đê, nhất là các điểm xung yếu, những khu vực nguy hiểm trên địa bàn. Xây dựng phương án và chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu...

Hai là, bám sát nội dung Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố và Hướng dẫn số 35-HD/BTGTU ngày 24-4-2017 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017. Với phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà" và "4 tại chỗ", hệ thống tuyên giáo, các hội, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền về Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai cũng như nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017.

Ba là, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên một cách đúng đắn và nghiêm túc trước những hiểm họa về thiên tai có thể xảy ra, sẵn sàng triển khai ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, phổ biến những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống lụt, bão, úng ngập và tích cực tham gia công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai của địa phương.

Hệ thống truyền thanh cơ sở cũng cần liên tục tiếp sóng và phát sóng thông báo thường xuyên về tình hình lũ, bão, úng ngập, thiên tai...

Xử lý nghiêm vi phạm

Bên cạnh ba nội dung trên, các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn ven đê cần chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều ngay từ khi mới phát sinh. Đối với các hộ vi phạm Luật Đê điều, ban chỉ đạo cấp xã lập danh sách và tiến hành vận động, thuyết phục. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Đê điều như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa vật tư chất thải lên đê, hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ...

Cuối cùng là đôn đốc dân cư ven đê trồng tre hộ đê; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những hành vi vi phạm Luật Đê điều... Chủ động đưa ra những giải pháp cụ thể để ứng xử, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng dạng thiên tai. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội, nâng cao năng lực phòng, chống, ứng phó, nhằm hạn chế, giảm nhẹ những thiệt hại có thể xảy ra. Bảo đảm thực hiện 3 mục tiêu: An toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.

Hà Nội còn 3 trọng điểm, 10 vị trí xung yếu đê điều

(HNM) - Ngày 9-5, thông tin tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho biết: Năm 2017, thời tiết và thủy văn tiếp tục diễn biến bất thường, phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, Hà Nội còn 3 trọng điểm, 10 vị trí xung yếu đê điều (giảm 1 trọng điểm, tăng 2 vị trí xung yếu so với năm 2016). Nguyên nhân do trọng điểm kè Thanh Am - Tình Quang (quận Long Biên), năm 2016 đã hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng nhưng chưa được thử thách với lũ cao, hạ xuống mức vị trí xung yếu để tiếp tục theo dõi. Ngoài ra, nhiều tuyến đê của Hà Nội đang bị xâm hại nghiêm trọng do xe quá tải trọng lưu thông, chất tải vật liệu xây dựng, xây dựng công trình…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo vệ công trình, đặc biệt đối với 3 trọng điểm, 10 vị trí xung yếu đê điều.


Kim Nhuệ
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.