(HNMO) - Ngày 14-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021-2022 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết, theo rà soát của Cục Chăn nuôi, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Số lượng đàn gia súc ăn cỏ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm: Đàn trâu 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triệu con; đàn ngựa 49,58 nghìn con; đàn dê 2,65 triệu con.
Vụ đông xuân 2020-2021 rét đậm, rét hại kéo dài, số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con và gia cầm là 335 con. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông là nguyên nhân quan trọng làm trâu, bò bị chết.
Theo các đại biểu, khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ địa hình đồi núi, nhiều đồng cỏ, có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng vật nuôi và sản lượng sản phẩm chăn nuôi; trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm; đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư... dẫn đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn phức tạp.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi từ trung ương đến địa phương.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2021-2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài... Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc; vận động người chăn nuôi không thả rông gia súc, không sử dụng gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 10°C; khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trong chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét, cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng, chống bùng phát dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.