(HNM) - Mặc dù đã được xác định là ngành rất quan trọng, có vai trò to lớn đối với nền kinh tế nói chung, với sản xuất công nghiệp nói riêng, nhưng rất tiếc đến nay ngành Cơ khí trong nước vẫn trong tình trạng lạc hậu.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết năm 2014, NCK mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu về cơ khí của toàn quốc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là phải đáp ứng được 45-50%. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của NCK đạt 15,23 tỷ USD và giá trị này có xu hướng tăng dần qua các năm cũng như trở thành ngành xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu các sản phẩm cơ khí lại đạt 26,5 tỷ USD, tức là bản thân ngành này đã nhập siêu hơn 10 tỷ USD. Trên thực tế, nhiều loại sản phẩm cơ khí quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với ngành đang chịu sức ép rất lớn, đầy khó khăn và phải chịu cảnh lép vế trước hàng ngoại nhập hoặc doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài như ô tô, xe máy; hàng điện tử - đồ gia dụng; thiết bị điện; dây chuyền sản xuất công nghiệp đồng bộ; thiết bị cho các nhà máy điện; xi măng… Những số liệu nói trên cho thấy rõ sự yếu kém, "chậm lớn" của NCK trong nước.
Xưởng sản xuất của Công ty Cơ khí - Xây lắp - Thương mại Minh Cường. Ảnh: Bảo Lâm |
Từ việc yếu kém nói trên đã, đang phát sinh một số hệ lụy, thiệt hại đối với chính ngành này cũng như nền kinh tế nói chung. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, Chính phủ luôn quan tâm và chủ động thúc đẩy NCK phát triển để từng bước thỏa mãn nhu cầu nội địa kết hợp với tham gia xuất khẩu. Đơn cử, Chính phủ đã xác định ưu tiên phát triển 8 chuyên ngành, sản phẩm cơ khí gồm: Thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí xây dựng, đóng tàu, cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp, thiết bị điện - điện tử, cơ khí ô tô - cơ khí giao thông vận tải. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nên kết quả chưa đạt như mong muốn. Đó là, tình trạng manh mún, chia cắt trong NCK, thiếu sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị; thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất.
Một số chuyên gia nhấn mạnh, thiếu vốn là vấn đề nan giải, là căn nguyên hàng đầu đẩy DN vào thế bị động bởi NCK mang đặc thù đòi hỏi có vốn đầu tư ban đầu rất lớn, trong khi quá trình thu hồi vốn lại diễn ra chậm hơn. Bên cạnh đó, mục tiêu đề ra cho ngành lại quá rộng, thiếu thực tiễn và sự phối hợp hài hòa giữa các nguồn lực tổng hợp, quy mô thị trường nhỏ lẻ và phân tán… cũng gây khó cho DN.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương đưa ra dự thảo "Chiến lược phát triển NCK giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035" với một số nội dung, mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy ngành này tăng tốc, đáp ứng yêu cầu CNH đất nước cũng như đủ sức cạnh tranh trong hội nhập. Trong đó, quan điểm xuyên suốt là xác định NCK có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; phát triển NCK trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là khu vực ngoài nhà nước; phát triển NCK dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến; khai thác các lợi thế, cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại để sản xuất những sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quan điểm phát triển là NCK có khả năng cạnh tranh trong hội nhập, có công nghệ hiện đại, với trọng tâm là phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị toàn bộ cho nhà máy điện và công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2035, ngành này sẽ hình thành các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… Mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng của NCK đạt 15-16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 14-15% trong giai đoạn đến năm 2030; tăng tỷ trọng đóng góp của NCK lên 30% GDP sau năm 2025. Năm 2025, NCK sẽ chiếm hơn 21% và năm 2035 chiếm trên 24% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp. Năm 2025, NCK sẽ đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước, tỷ lệ này sẽ tăng lên trên 60% vào năm 2035.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.