Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động nguồn xăng, dầu trong mọi tình huống

Thanh Hải| 20/02/2022 06:22

(HNM) - Bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt với xăng, dầu - mặt hàng chiến lược quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế - là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Công Thương. Cho dù đến nay, tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ xảy ra ở một vài nơi đã chấm dứt, nhưng vấn đề này đã đặt ra thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp linh hoạt trước những biến động của thị trường, không để thiếu nguồn cung xăng, dầu trong mọi tình huống.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thách thức tiềm ẩn

Những ngày cuối tháng 1 đầu tháng 2-2022, việc một số cửa hàng xăng dầu ở vài địa phương phía Nam dừng bán hàng đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bộ Công Thương cho biết, qua kiểm tra, nguyên nhân một số đơn vị đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không đủ nhân lực, không đủ nguồn cung xăng dầu trong khi lượng tiêu thụ tăng cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, nguyên nhân chủ yếu là do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất dẫn đến không bảo đảm nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu mối. “Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Đến thời điểm này có thể nói không thiếu nguồn cung xăng dầu, song mức độ cung ứng không đồng đều”, ông Bảo thông tin.

Song song, giá xăng dầu thế giới tăng cao, cùng với cách thức điều hành hệ thống xăng dầu thiếu linh hoạt ảnh hưởng đến nhiều đơn vị kinh doanh. Điển hình là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1-2 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên phải đến ngày 11-2, cơ quan quản lý mới có văn bản điều hành giá, dẫn đến thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh quá dài. Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu lên cao, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này rơi vào thua lỗ nếu bán với giá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu kỳ điều hành ngày 1-2 vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương điều hành linh hoạt khi thị trường diễn biến bất thường, thì biên độ tăng giá xăng dầu sẽ không “sốc” và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá.

Về nguồn cung xăng dầu thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, hiện mỗi tháng thị trường có nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu mét khối xăng dầu các loại. Nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2, nhưng từ tháng 3-2022, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Bảo đảm nguồn cung cho phát triển kinh tế

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành công cụ quản lý, các cơ chế, chính sách và giao Bộ Công Thương thẩm quyền để chủ động điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân là thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Bộ phải chủ động bám sát tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu.

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải chủ động nguồn cung xăng dầu, nhất là từ trong nước, để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh những xáo trộn như vừa qua, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bình thường, các nhà máy lọc dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu nhập khẩu khoảng 25%. Từ đầu tháng 1-2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, nên các doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù lượng thiếu hụt.

Là doanh nghiệp cung ứng xăng dầu cho thị trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Phạm Văn Thanh thông tin, Petrolimex cam kết bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống phân phối, bao gồm các thương nhân nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex theo hợp đồng đã ký trong mọi tình huống. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho hay, tập đoàn đã cùng các đơn vị thành viên nỗ lực cao nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, góp phần bình ổn thị trường. Tháng 1-2022, cung cấp từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng so với cam kết hợp đồng là 18%, cung cấp từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã tăng 12%. Petrovietnam cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất từ 105% lên mức tối đa là 108%, tương ứng tăng thêm nguồn cung trên thị trường là 30.000m3/tháng. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP cũng dự kiến sẽ nhập về 70.000m3 xăng dầu vào ngày 22-2 tới.

Với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Petrovietnam đã đàm phán với các đối tác nước ngoài về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể. “Các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy do Petrovietnam đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn để giúp nhà máy hoạt động trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc”, ông Lê Mạnh Hùng thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nguồn xăng, dầu trong mọi tình huống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.