(HNMO) - Để bảo đảm nguồn cung nông sản đang tăng cao cho thị trường Hà Nội từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất và liên kết chuỗi với các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là tăng cường việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Bảo đảm nguồn cung nông sản
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân càng tăng cao, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của Hà Nội đang tăng tốc, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy, cho biết: Thời điểm hiện tại, đơn vị đã liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica; để bảo đảm đầu ra, hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh để tiêu thụ sản phẩm tại gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo trên địa bàn Hà Nội và phân phối tới đại lý ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long thông tin: Chuỗi chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt để từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 mỗi tháng cung cấp khoảng 150-200 tấn thịt lợn cho thị trường Hà Nội.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) - Hoàng Văn Thám, với quy mô hơn 50 ha, hợp tác xã không lỡ nhịp sản xuất, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau các loại. Cùng với việc tập trung chăm sóc các loại rau cải, hợp tác xã đang gieo trồng bắp cải, su hào, cà chua, rau gia vị phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đang cung ứng 1.370 loại sản phẩm cho 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn. Cùng với đó, Hà Nội đã chủ động liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ các chuỗi cho thị trường Hà Nội.
Mở rộng các chuỗi liên kết
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay số lượng chuỗi liên kết nông sản của Hà Nội đang đứng đầu cả nước, nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số chuỗi chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn...; nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, cho biết: Hà Nội đang triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, số chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn sẽ tăng ít nhất 10%/năm...
Thời gian tới, theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất từ cây, con giống đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, sử dụng mã QR cũng như nâng cao kiến thức thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết đối với sản phẩm chủ lực của thành phố. Các chủ thể tham gia sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; đồng thời các chuỗi liên kết sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.
“Hà Nội sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu; đồng thời tập trung hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối, như: Siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Lưu ý tình trạng một số tiểu thương lợi dụng kẽ hở để đưa hàng kém chất lượng ra thị trường khi nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng: Hà Nội cũng như các tỉnh cần đẩy mạnh công tác kiểm tra lấy mẫu giám sát để kịp thời xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm như: GAP, HACCP, ISO 22000...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.