(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có những diễn biến phức tạp, với sự gia tăng qua các tháng gần đây. Việc chủ động kiểm soát CPI là hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
- Thưa bà, diễn biến về CPI từ đầu năm đến nay có điểm nào đáng lo ngại?
- 7 tháng đầu năm 2016, CPI tăng 2,48% so với tháng 12- 2015 và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Giá dịch vụ y tế tăng theo quyết định của liên bộ Y tế và Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1-3-2016), việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, rồi mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1-1-2016, nhất là dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu… tăng.
Ảnh minh họa |
Nhóm nguyên nhân thứ hai là yếu tố thị trường do giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 đợt, dưới tác động từ sự giảm giá trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường cũng có những thời điểm điều chỉnh giá do tính mùa vụ, diễn biến thời tiết khiến nhóm hàng may mặc, thiết bị điện làm mát mùa hè cùng nhu cầu đi lại, du lịch, ăn uống và giải trí gia tăng trong những dịp lễ hội quan trọng. Thời tiết khắc nghiệt, thất thường cũng là tác nhân gây thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp, làm giá nhiều loại rau xanh, lương thực tăng hoặc giảm cục bộ tùy theo thời điểm. Nhưng, tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý là yếu tố góp phần làm tăng CPI nhiều nhất.
- Theo bà, vì sao CPI tháng 7 lại tăng thấp hơn so với mức tăng của tháng trước?
- CPI tháng 7 tăng 0,13% thấp hơn mức tăng 0,46% của tháng 6, là do một số nguyên nhân sau: Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định, góp phần kiềm chế CPI tháng 7. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm. Giá gas giảm 3,02%. Các ngày 20-6, 5-7, điều chỉnh giá xăng, tổng cộng giá xăng đã giảm 540 đồng/lít.
- Bà dự báo thế nào về CPI những tháng tới, liệu có xuất hiện các yếu tố khiến CPI tăng mạnh?
- Từ nay đến cuối năm có một số yếu tố sẽ làm tăng CPI, như giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT- BYT-BTC vào các thời điểm tháng 8, tháng 10, tháng 11, tháng 12. Giá dịch vụ giáo dục sẽ điều chỉnh vào tháng 9-2016. Tiếp theo, giá lương thực, thực phẩm có thể tăng vào cuối năm do nhu cầu xã hội tăng. Tuy nhiên, với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nên giá các mặt hàng này không tăng đột biến. Một số mặt hàng tiềm ẩn khả năng tăng giá trở lại, như sắt thép, xăng dầu. Nhìn chung, CPI vẫn có xu hướng gia tăng tuy vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn, chưa thể xác định hay lường trước.
- Bà có nhận xét gì khi một số chuyên gia cho rằng có thể xảy ra lạm phát cao hơn 5%? Và chúng ta có biện pháp nào để khống chế CPI như mong muốn?
- Với các yếu tố khách quan, chủ quan như đã nói ở trên cùng những tác động khác, thì CPI năm nay có nhiều khả năng tăng vượt mức 5%. Một số chuyên gia cũng dự báo về khả năng này. Để kiểm soát CPI cả năm ở mức không quá 5%, cần tiếp tục theo sát diễn biến cung - cầu trên thị trường trong nước và thế giới, xu hướng giá cả; đặc biệt là đối với thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu là gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón… Trong trường hợp các mặt hàng này tăng mạnh sẽ trở thành áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra thị trường, tập trung vào những mặt hàng nhạy cảm hoặc do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm dương lịch. Nếu làm tốt các biện pháp này sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức tối đa. Theo tôi, nếu cần thiết thì giá dịch vụ y tế chỉ nên điều chỉnh 2 đợt vào tháng 8, tháng 10, các đợt còn lại có thể linh hoạt chuyển sang điều chỉnh trong năm 2017 để giảm bớt sức ép tăng giá.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.