Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 13/03/2020 07:14

(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2-2020 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện các cơ quan chức năng, các địa phương đang tiếp tục chủ động duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát cho cả năm 2020.

Các địa phương đang chủ động cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát cho cả năm 2020. Ảnh: Hải Anh

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong tháng 2-2020 có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng 1-2020. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,04%. Tuy nhiên cũng trong tháng 2, có tới 6 nhóm giảm giá, gồm: Giao thông giảm 2,5%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

"Nguyên nhân khiến CPI tháng 2 giảm nhẹ so với tháng trước là do quy luật giảm giá của tháng sau Tết khi nhu cầu về hàng tiêu dùng và lương thực, thực phẩm giảm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm suy giảm sức mua xã hội cũng như tác động từ việc giảm giá xăng dầu. Dịch Covid-19 còn khiến nhu cầu đi lại, du lịch, ẩm thực, lễ hội, giải trí giảm mạnh nên giá các dịch vụ này giảm rõ rệt", bà Đỗ Thị Ngọc lý giải.

Hiện giá nhiên liệu trên thế giới đang giảm liên tục. Cụ thể, giá dầu Brent trên thị trường thế giới có lúc giảm xuống 37 USD/thùng trong khi có dự báo sẽ còn giảm tiếp. Trên thực tế, giá xăng dầu là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến diễn biến CPI và sẽ tác động đối với việc kiềm chế lạm phát trong tháng 3 cũng như thời gian tiếp theo... Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn ở mức cao, có thể ảnh hưởng đến CPI. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Tác động của dịch Covid-19 có thể khiến CPI giảm mạnh trong thời gian tới do hoạt động giao thương bị hạn chế; giao dịch thương mại, mua bán hàng hóa và dịch vụ sẽ tiếp tục suy giảm".

Nhằm kiềm chế lạm phát, các cơ quan chức năng đang chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ. Bộ Công Thương tập trung cho công tác ổn định thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu... Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi tái đàn lợn... "Hiện Việt Nam đã có phương án nhập khẩu 200.000 tấn thịt lợn cũng như cho tái đàn nhằm ổn định giá thịt lợn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.

Các địa phương cũng khẩn trương triển khai những công việc cụ thể để bình ổn thị trường. Đặc biệt, Chính phủ đã và đang tăng cường chỉ đạo chủ động kiềm chế lạm phát. Trong đó, tập trung bảo đảm cung - cầu, nhất là về thực phẩm cũng như những mặt hàng thuộc nhóm nhu yếu phẩm để ổn định giá; nghiêm cấm mọi hành vi găm hàng, “thổi giá” một cách bất hợp lý. Mục tiêu là ổn định giá, quyết tâm kiềm chế CPI tăng dưới 4% trong cả năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng nghiên cứu khả năng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, thuế, phí đối với doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Hy vọng, với sự vào cuộc và những giải pháp đồng bộ nói trên, việc kiềm chế lạm phát sẽ đạt kết quả tích cực, góp phần hoàn thành mục tiêu khống chế lạm phát cả năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.