(HNM) - Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi toàn quốc liên tiếp xảy ra thiên tai bất thường, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Dự báo, đến cuối năm 2020, tình hình thời tiết, thiên tai vẫn sẽ rất phức tạp, khó lường... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp nhằm giảm nhẹ thiệt hại, Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải chủ động hơn nữa trong phòng ngừa, ứng phó…
- Ông đánh giá thế nào về tình hình thời tiết, thiên tai ở nước ta trong những tháng vừa qua và dự báo ra sao trong thời gian còn lại của năm 2020?
- Trước tác động của biến đổi khí hậu; thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, trái quy luật, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân... Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 160 trận dông, lốc, mưa đá..., làm 29 người chết, mất tích, 100 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại tài sản hơn 3.000 tỷ đồng… Bên cạnh đó, nắng nóng, hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển... cũng xảy ra ở nhiều nơi với diễn biến rất phức tạp.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2020, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó, 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng lo ngại, thời gian gần đây, bão đang có xu hướng gia tăng về cường độ và dịch chuyển về phía Nam - nơi mà cơ sở hạ tầng và ý thức của người dân về phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Mặt khác, sau nắng nóng, hạn hán kéo dài rất có thể chúng ta sẽ phải hứng chịu nhiều trận mưa, lũ lớn...
- Ngoài thời tiết cực đoan, bất thường, công tác phòng, chống thiên tai hiện nay còn những thách thức nào khác nữa, thưa ông?
- Thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Cụ thể, cả nước hiện còn 230 vị trí trên các tuyến đê quốc gia, khoảng 200 hồ đập xuống cấp có nguy cơ xảy ra sự cố khi xuất hiện các đợt mưa, lũ lớn... Bên cạnh đó, hệ thống tiêu, thoát nước ở nhiều đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó khi xảy ra thiên tai vượt tần suất thiết kế...
Đồng thời, công tác dự báo, cảnh báo dù đã có tiến bộ nhưng cũng chưa theo kịp diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai... Ngoài ra, nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ, thiếu kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với một số loại hình thiên tai nguy hiểm…
- Theo ông, để giảm tổn thất do thời tiết, thiên tai gây ra, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là gì?
- Theo tôi, chủ động phòng ngừa, ứng phó là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó, chủ động phòng ngừa cần được ưu tiên. Để làm tốt giải pháp này, các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với nhiệm vụ này, các địa phương khẩn trương triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 (Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 27-5-2020).
Trong đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai; chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; rà soát, xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn...
- Với riêng Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống thiên tai hiện nay của thành phố?
- Tôi đánh giá cao sự chủ động, tích cực của thành phố Hà Nội trong công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, Hà Nội đã đầu tư và khai thác hiệu quả 12 công trình phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu trọng điểm cấp bách và đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng mới 14 công trình trọng điểm, cấp bách khác…
Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, thành phố Hà Nội cần chủ động, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư xây dựng công trình để xóa các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; nâng cấp hệ thống tiêu, thoát nước đô thị; chặt, tỉa cành cây; gia cố các biển quảng cáo... Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng ứng phó với một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại địa bàn nội thành, ngoại thành… Nói cách khác, chủ động trong phòng ngừa, ứng phó không chỉ giảm rủi ro, thiệt hại mà còn là giải pháp để Hà Nội xây dựng Thủ đô an toàn hơn trước thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.