Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động gỡ vướng mắc

Thế Văn| 23/04/2021 06:04

(HNM) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng thúc đẩy nội lực, gia tăng giá trị. Thực hiện hiệu quả chương trình này cùng với thúc đẩy phát triển các làng nghề đã giúp thành phố Hà Nội gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và các sản phẩm làng nghề của thành phố đều là những sản phẩm chứa đựng tinh hoa của người Hà Nội. Tuy nhiên, việc tạo ra những sản phẩm chất lượng mới chỉ là công đoạn đầu, vẫn còn những công đoạn khác có ý nghĩa then chốt, bảo đảm sự tồn tại của chuỗi giá trị, như: Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Thực tế cho thấy, các chủ thể tham gia OCOP, cơ sở sản xuất tại làng nghề của Hà Nội đa phần đều là những hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa nên không dễ liên kết với các hệ thống phân phối để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ. Mặt khác, khâu phát triển thương hiệu thiếu chuyên nghiệp, công tác quảng bá chưa được chú trọng… nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm cũng như tạo sức hút trên thị trường. Cùng với đó là việc thiếu các điểm bán hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm…

Đặc biệt, sự bị động và thiếu hiệu quả trong kết nối giữa đơn vị sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ chính là “rào cản” lớn trong việc tạo ra một hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Để khắc phục những vướng mắc, hạn chế nêu trên, đồng thời phát triển chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững, trước hết, các đơn vị sản xuất cần chủ động liên kết chặt chẽ với nhau trong mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất một cách bài bản, chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường…, từ đó tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội.

Các doanh nghiệp phân phối cũng cần định hướng cho các nhà sản xuất, từ đó có được những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, hướng dẫn đơn vị sản xuất hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm vào siêu thị và các kênh phân phối hiện đại khác.

Về phía các địa phương, cần tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề để vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà sản xuất, dần hình thành chuỗi liên kết.

Với vai trò “nhạc trưởng”, các cơ quan chức năng của ngành Công Thương và Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu với thành phố tạo thêm cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm để thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố sớm quy hoạch, phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tại các địa phương, các điểm du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ. 

Chủ động gỡ vướng mắc, trong đó chú trọng thúc đẩy các hoạt động liên kết mới có thể nâng cao giá trị, tìm được đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề. Qua đó góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động gỡ vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.