Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động giải pháp thích ứng

Vân Nga| 20/05/2011 06:45

(HNM) - Năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số (GHDS) với tốc độ tăng nhanh chóng. Dự báo chỉ 15-20 năm nữa sẽ bước sang cơ cấu dân số (DS) già trong khi các nước trên thế giới phải mất thời gian vài chục năm, thậm chí gần 100 năm.

Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam khẳng định, GHDS là một thách thức lớn và cần phải có những giải pháp đồng bộ ngay từ hôm nay.

Người cao tuổi cần được chăm lo để sống vui, sống khỏe và có ích. Ảnh: Bảo Lâm


Đô thị hóa và áp lực GHDS
Tốc độ đô thị hóa ở nước ta kéo theo dòng lao động di cư ra thành thị ngày một đông, điều đó đã khiến nhiều làng, xã chỉ còn người già, trẻ nhỏ sinh sống. Đó là điều dễ thấy ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh và thậm chí ở ngay các huyện của Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa... Mô hình gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ đang dần được thay thế bởi gia đình hạt nhân, gia đình "khuyết thế hệ" (chỉ có ông bà và cháu). Người Việt quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con", nhưng theo thống kê, hiện có tới 43% người cao tuổi (NCT) đang làm việc và hầu hết là tự tạo việc làm với thu nhập thấp.

Một vài thập kỷ gần đây, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương... đã thu hút được một lực lượng lớn người nông thôn trong độ tuổi lao động tới làm việc, điều đó góp phần tạo sức trẻ cho DS ở các điểm đến, mang dư lợi cho sự phát triển KT-XH. Dẫu vậy, tốc độ GHDS cũng đã ập đến và không loại trừ bất kỳ thành phố phát triển nào. Năm 2010, cả nước có  8,1 triệu NCT (trên 60 tuổi), chiếm 9,4% dân số, tăng 0,4% so với năm 2009. Chỉ tính trong vòng 10 năm gần đây (1999-2009), số người trên 100 tuổi đã tăng gấp hơn hai lần, từ 3.000 người lên 7.200 người. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT đã lên ngưỡng "già" ở mức cao là Thái Bình (14%), Bình Định (10,82%), Hải Phòng (10,3%), Hà Nội (gần 10%)...

TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhận định, với tốc độ tăng 0,4% đến 0,6% trong những năm tới thì chỉ 15 năm nữa (tức năm 2025) Việt Nam sẽ bước sang cơ cấu DS già. Trong khi các nước có trình độ phát triển cao phải mất nhiều thời gian hơn để chuyển từ "già hóa" sang "già", như Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm. Theo UNFPA, Việt Nam đang GHDS với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Đây tuy là thành tựu của công tác DS-KHHGĐ do số trẻ sinh giảm, cải thiện đáng kể về hệ thống y tế, dinh dưỡng và phát triển KT-XH nhưng GHDS đã làm tăng số người già sống cô đơn, nhiều cặp vợ chồng cao tuổi hơn và nhiều gia đình khuyết thế hệ hơn. Tuổi thọ trung bình của cả nước năm 2010 là 72,8 tuổi, Hà Nội là 74 tuổi, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, mỗi người phải mất 14 năm gánh chịu bệnh tật trong khi chi phí chăm sóc y tế cho NCT cao gấp 8 lần cho một đứa trẻ. Hiện nay, số NCT ở nông thôn cao gấp 3,5 lần thành thị, nhưng chỉ một số tỉnh, thành phố có khoa Lão khoa và cũng chỉ có một Viện Lão khoa quốc gia. GHDS còn khiến thời gian NCT hưởng lương hưu dài hơn, làm tăng áp lực lên cả hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu...

TS. Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, đa số nước trên thế giới bước vào cơ cấu DS già sau khi nền kinh tế đã phát triển, còn Việt Nam mới đang trong thời kỳ thoát nghèo thì GHDS đã ập tới. Do vậy, làm sao để bảo đảm cho NCT được chăm sóc đầy đủ, sống vui, sống khỏe, sống có ích đang là một bài toán khó khăn.

Chủ động về giải pháp
Trước thách thức lớn từ tốc độ GHDS nhanh chóng, vấn đề đặt ra là có nên kìm hãm tốc độ đó bằng việc nới lỏng mục tiêu DS-KHHGĐ, tăng tỷ lệ sinh?

TS. Dương Quốc Trọng khẳng định, đây không phải là giải pháp được lựa chọn. Công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 sẽ có sự chuyển hướng mạnh từ số lượng sang nâng cao chất lượng; hưởng ứng cơ cấu DS già, tận dụng dư lợi từ cơ cấu DS vàng, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Phương án lựa chọn là giữ mức sinh hợp lý, tổng tỷ suất sinh duy trì 1,8-2 con/phụ nữ (năm 2020) và tiếp tục cung ứng dịch vụ KHHGĐ bảo đảm chất lượng. Về vấn đề GHDS, TS. Dương Quốc Trọng cho rằng có hai vấn đề quan trọng cần phải giải quyết ngay, đó là phát huy thế mạnh của NCT và chính sách chăm sóc sức khỏe cho NCT. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được ưu tiên thực hiện của Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bruce Cambell, Trưởng đại diện UNFPA cho rằng, các bài học kinh nghiệm dựa trên các nghiên cứu chính sách, được xây dựng cẩn trọng từ các quốc gia khác sẽ gợi ý cho Việt Nam một số chính sách can thiệp. Một số giải pháp mà UNFPA đưa ra là: Nâng cao nhận thức và thái độ của các nhà hoạch định chính sách và của toàn xã hội về các thách thức liên quan đến vấn đề GHDS. Tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cùng với tăng trưởng, phát triển kinh tế nhằm bảo đảm và nâng cao thu nhập cho NCT thông qua tạo việc làm, phúc lợi hưu trí. Tăng cường dịch vụ y tế, mở rộng các dịch vụ chăm sóc NCT. Để làm chậm quá trình "già" và thích ứng với GHDS thì yếu tố quan trọng nhất là phải chủ động. Ngay từ bây giờ, phải giáo dục ý thức cá nhân về việc "lo cho tuổi già từ khi còn trẻ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động giải pháp thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.