Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đóng góp, xây dựng Hội đồng nhân quyền LHQ

Theo Hải Minh| 28/02/2014 16:49

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao và Khóa họp thường kỳ lần thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ) tại Geneva từ ngày 3-4/3.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh VGP/Hải Minh


Dự kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ phát biểu tại Hội nghị này, trong đó nhấn mạnh những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, quyết tâm của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đề ra.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng sẽ nêu những ưu tiên HĐNQ cần triển khai đồng thời chia sẻ những ưu tiên về quyền con người của Việt Nam trong thời gian tới.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là đề cao hợp tác, đối thoại xây dựng trong HĐNQ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có đóng góp thực chất cho công việc chung của HĐNQ.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao của HĐNQ sau khi được bầu là thành viên của Hội đồng hồi tháng 11 vừa qua với số phiếu cao.

Hội nghị sẽ thu hút các nhà lãnh đạo của hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế trong bối cảnh quyền con người được các nước và dư luận quốc tế rất quan tâm.

Những thay đổi căn bản
Trong lĩnh vực nhân quyền, Chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 được đưa về Chương II trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp thì đây không chỉ đơn thuần là một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới.

Trong số đầu tiên của chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời năm 2014, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay Chương II về quyền con người trong Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về vấn đề nhân quyền, đó là Công ước về các quyền chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội mà chúng ta là thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam trúng cử HĐNQ phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam.

Một trong những ví dụ điển hình là lĩnh vực Internet. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới, với số lượng người sử dụng Internet trên mức bình quân của thế giới.

Đối với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít những nước (1 trong 6 nước) thực hiện được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015.

Sau khi báo cáo định kỳ về thực hiện quyền con người tại HĐNQ của LHQ năm 2009, Việt Nam nhận được 123 khuyến nghị và gần như đáp ứng được tất cả những khuyến nghị đó.

Những thay đổi trên đặt Việt Nam trước những áp lực và cả những cơ hội mới. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, xây dựng và hợp tác, Việt Nam ngày càng tự tin trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhân quyền.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh việc cần làm là “phải vừa hoàn thiện, đẩy mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn quyền con người nhưng đồng thời cũng phải cung cấp thông tin đầy đủ, cung cấp thông tin để cho người ta hiểu và cung cấp thông tin một cách rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được và cũng nêu ra những vấn đề chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đóng góp, xây dựng Hội đồng nhân quyền LHQ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.