(HNM) - Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động đưa, đón khách du lịch đã sôi động trở lại từ đầu tháng 3-2021. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã chủ động chuẩn bị nhiều chương trình quảng bá, kích cầu, xúc tiến thương mại để đón "làn sóng" phục hồi thị trường du lịch.
Chủ động phương án đón khách du lịch
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các địa phương diễn ra đầu tháng 3-2021, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, thời điểm này du lịch nội địa vẫn là trọng điểm của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, ngành Du lịch cần phải chuẩn bị các phương án đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép, nhất là khi thế giới đang tính tới việc thực hiện “hộ chiếu vắc xin” và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã có kế hoạch đón khách quốc tế. “Ngành Du lịch cần thực hiện ngay kế hoạch kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương, song cũng cần chủ động xây dựng phương án đón khách quốc tế để không chậm nhịp so với các quốc gia khác”, ông Nguyễn Hữu Thọ đề xuất.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Việt Nam đang có lợi thế là quốc gia an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và là một trong những điểm du lịch được quốc tế đánh giá cao. Ngay từ bây giờ, các đơn vị cần tung ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn không chỉ về giá, mà còn về chất lượng dịch vụ, đánh trúng tâm lý của khách trong nước, quốc tế thì mới có thể nhanh chóng phục hồi được thị trường.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2021, nhiều địa phương đã chủ động phương án đón khách. Trong đó, tỉnh Ninh Bình có kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… xây dựng chương trình kích cầu, thu hút du khách dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Các tỉnh phía Đông - Tây Bắc liên kết với hàng trăm đơn vị lữ hành thực hiện nhiều chuyến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ VGreen Phùng Quang Thắng cho biết, các đơn vị lữ hành thuộc Câu lạc bộ VGreen đã liên kết giới thiệu sản phẩm caravan (tự lái xe) khám phá Tây Bắc ngay trong tháng 3-2021. Sau chuyến khảo sát Tây Bắc, các đơn vị lữ hành: Vietrantour, VietFoot, Pattours, Hanoitourist… sẽ đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch này trong năm nay. “Đây là sản phẩm du lịch không chỉ phù hợp với khách nội địa, mà còn hướng đến khách quốc tế trong thời gian tới”, ông Phùng Quang Thắng thông tin.
Tăng cường liên kết, hợp tác
Theo Sở Du lịch Hà Nội, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch Thủ đô đã sôi động trở lại. Để nhanh chóng đón đầu lượng khách đến Hà Nội, Sở Du lịch đã kết nối các đơn vị lữ hành, lưu trú, hàng không, điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng của Thủ đô.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các đơn vị lữ hành thực hiện chính sách kích cầu về giá cho khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội với thời gian lưu trú dài ngày, cũng như xây dựng thêm sản phẩm mới kết nối mạnh hơn giữa khu vực nội đô và ngoại thành Hà Nội. Sở cũng đã xây dựng các kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện trong năm 2021 nhằm thu hút du khách cũng như tạo cơ chế hấp dẫn để đón "làn sóng" phục hồi cho ngành Du lịch, như: Lễ hội ẩm thực, lễ hội áo dài, hỗ trợ các điểm đến triển khai du lịch về đêm...
“Một trong những việc trọng tâm thời gian tới, đó là Sở sẽ làm việc với các huyện Ba Vì, Mỹ Đức để thúc đẩy xây dựng cụm du lịch Ba Vì - Suối Hai, Hương Sơn; phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thành các sản phẩm du lịch tại khu phố cổ và sản phẩm riêng cho ẩm thực Hà Nội. Sở cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc, Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2021”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Theo Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Hữu Việt, đơn vị đang tập trung khảo sát sản phẩm du lịch tại một số địa phương, chuẩn bị chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, dự kiến tổ chức vào tháng 4-2021; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để giới thiệu những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn du khách.
Hiện tại, hoạt động liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hàng không, lữ hành, lưu trú, vận chuyển được xem là chuỗi “mắt xích” mang tính quyết định nhằm phục hồi cho ngành Du lịch. “Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị, tạo nên chuỗi liên kết bền vững, đồng thời có cơ chế thông thoáng để những doanh nghiệp lớn sẽ là “cánh chim đầu đàn” tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành Du lịch”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.