Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động điều chỉnh hoạt động xuất - nhập khẩu

Hồng Sơn| 16/01/2016 07:03

(HNM) - Theo các chuyên gia, ngoại trừ yếu tố bất ngờ, ngoài dự đoán trên thị trường quốc tế thì các cơ quan điều hành vĩ mô cần quan tâm, tìm biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng bị động, từ đó chủ động làm tốt công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngay từ đầu năm mới này…


Gia tăng xuất khẩu

Bộ Công thương nhận định, nhiều năm qua, mặc dù đạt những kết quả trong xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp (DN) chưa tận dụng hết cơ hội. Trên thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta mới chiếm khoảng 1% của tổng nhu cầu nhập khẩu của các đối tác, nhất là với các quốc gia đã cùng Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này cho thấy "dư địa" cho hàng xuất khẩu của ta còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Nhà máy đông lạnh Sông Gianh. Ảnh: Như Ý


Muốn tăng xuất khẩu, trước hết cần nhận diện những hạn chế để điều chỉnh kịp thời. Thời gian qua, mặt hàng nông, thủy sản và khoáng sản xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, gây thiệt hại về giá. Trong khi đó, các mặt hàng chủ lực khác như dệt may, da giày vẫn chủ yếu là gia công, phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu cũng như sự đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Vì vậy, lợi nhuận thu về không cao.

Năng lực dự báo thị trường của cơ quan quản lý, đặc biệt là của DN còn hạn chế, nên đôi khi rơi vào tình huống bị động. Việc tập trung quá nhiều vào một số thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… có lúc đẩy DN vào tình huống bất lợi do những biến động, hoặc yếu tố "lạ" xuất hiện ngoài dự báo. Năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ "nội" còn hạn chế, tự làm mất cơ hội tham gia cung cấp linh kiện cho các nhà xuất khẩu thành phẩm, từ đó mất cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, vì không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trường hợp một số DN Nhật Bản tại Việt Nam, hay Samsung mong muốn tìm được đối tác cung cấp linh kiện nhưng "bói" không ra là minh chứng cho thực tế này.

Từ phân tích nói trên, Bộ Công thương, các hiệp hội ngành nghề đang tìm cách khắc phục tình hình, tập trung vào việc làm tốt công tác dự báo thị trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, khai thông các thị trường, cung cấp thông tin và hỗ trợ DN trong việc đối phó với hàng rào kỹ thuật hoặc tranh chấp thương mại… Đặc biệt, Bộ Công thương khuyến cáo các DN cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo cam kết của các FTA. Bởi, nếu không làm được như vậy thì khách hàng không chấp nhận, đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường không mang lại giá trị thiết thực.

Kiểm soát nhập khẩu

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần chủ động kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu ngay từ đầu năm và thống nhất quan điểm khuyến khích nhập những mặt hàng cần thiết cho sản xuất trong nước và chế biến hàng xuất khẩu. Như vậy, nhóm hàng nguyên phụ liệu, vật tư, xăng dầu và máy móc thiết bị công nghiệp sẽ tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ, chưa thật cần thiết, đặc biệt là ô tô cần được quản lý kịp thời và tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng có lựa chọn hợp lý.

Nhằm phòng tránh hiện tượng "chảy máu" ngoại tệ để đáp ứng nhiều nhu cầu cấp thiết thay vì đổ vào tiêu dùng thuần túy, cơ quan quản lý cũng như DN nên quan tâm và có tinh thần tự "đề phòng", không nhập khẩu những mặt hàng, sản phẩm mà DN trong nước đã đáp ứng được về mẫu mã, chủng loại cũng như chất lượng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và đòi hỏi sự tự giác trong hành xử của mỗi cá nhân, DN. Đơn cử, một số sản phẩm cơ kim khí, thiết bị công nghiệp đồng bộ, đồng phục, nông sản, dịch vụ tổng hợp… của các đơn vị trong nước sản xuất với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh và cần được ưu tiên trong tiêu thụ đối với các khách hàng trong nước. Làm được như vậy là các DN ủng hộ nhau, góp phần thúc đẩy sản xuất, thiết thực ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đặc biệt, cần nghiên cứu phương án để thực hiện việc giảm dần mức nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và thay thế bằng những đối tác khác, theo hướng đa dạng hóa nguồn cung để đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa. Đây là yêu cầu quan trọng và ngày càng cấp thiết bởi nhập siêu của nền kinh tế trong giao thương với Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng trong những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động điều chỉnh hoạt động xuất - nhập khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.