Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động canh lửa giữ rừng

Đào Huyền| 08/11/2010 07:04

(HNM) - Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn mùa khô năm 2010-2011 sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước dự báo đó, UBND thành phố Hà Nội có chỉ thị yêu cầu các huyện, thị xã có rừng cần tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đặc biệt trong mùa hanh khô. Tuy nhiên, để công tác PCCCR đạt được hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng.


Những kết quả bước đầu trong phòng, chống cháy rừng


Hà Nội có hơn 29 nghìn hécta rừng và đất lâm nghiệp, phân bố ở 7 huyện, thị xã là: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn. Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, diện tích đất rừng trên địa bàn thành phố trên 24 nghìn hécta, chiếm 84% đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên các loại là 6.918ha, còn lại là rừng trồng. Rừng tự nhiên của thành phố phân bố chủ yếu ở các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai; còn rừng trồng phân bố ở các huyện và thị xã còn lại. Rừng tự nhiên của Hà Nội chủ yếu là rừng nghèo và rừng phục hồi sau nương rẫy, các khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Ba Vì, rừng đặc dụng Hương Sơn) và rừng trên núi đá vôi. Rừng này không cho khai thác gỗ, chỉ để bảo tồn các nguồn gen, bảo vệ hệ sinh thái rừng, phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan rừng, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch. Rừng trồng có diện tích trên 17 nghìn hécta chủ yếu là rừng trồng thuần loại, phần lớn có trữ lượng thấp nhưng giá trị trong bảo vệ cảnh quan, phòng hộ cải tạo môi trường lại rất cao.

Do rừng Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, cây trồng chủ yếu lại là những cây dễ cháy như keo tai tượng, bạch đàn, thông nên nếu không thực hiện tốt các biện pháp PCCCR sẽ rất dễ xảy ra cháy rừng. Ông Lê Quang Tiến cho rằng, nguyên nhân chính gây ra cháy rừng là do người dân còn chủ quan, bất cẩn khi sử dụng lửa trong rừng. Chỉ cần sơ ý đốt lửa khi bắt ong, dọn nương bãi sẽ gây ra cháy rừng. Từ đầu năm tới nay, toàn thành phố đã xảy ra 17 vụ, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị cháy là 19,41ha, tỷ lệ thiệt hại không đáng kể, chủ yếu là cháy lớp dưới tán. "Cháy rừng được coi là thảm họa, không thể nói trước là sẽ không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, mùa khô năm 2010 Chi cục Kiểm lâm thành phố và các hạt kiểm lâm tại các huyện, thị xã có rừng sẽ làm hết sức để PCCCR, giảm thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra"- ông Lê Quang Tiến nhấn mạnh.

Tập trung nâng cao ý thức của người dân

Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó trưởng phòng Bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, rừng và đất lâm nghiệp thành phố hầu hết đã được giao khoán cho các chủ quản lý. Trong đó hộ gia đình và cộng đồng là lực lượng chính trong sản xuất kinh doanh nghề rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Quan trọng nhất trong PCCCR vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa trong nhân dân. Từ đầu năm tới nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã tổ chức 8 lớp tập huấn với 480 người và 22 buổi tuyên truyền tại 7 huyện, thị xã. Trong tháng 11, Chi cục Kiểm lâm sẽ tổ chức diễn tập PCCCR tại 5 xã. Đồng thời, để giảm thiệt hại trong mùa hanh khô 2010-2011, chi cục đã giảm vật liệu cháy tại rừng 3 huyện: Sóc Sơn, Mỹ Đức, K9 Ba Vì; tạo 17km đường băng ngăn cách, tránh để lửa lây lan khi có cháy rừng. Chia sẻ những kinh nghiệm trong PCCCR, ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì - đơn vị có diện tích rừng lớn nhất thành phố cho biết, Hạt Kiểm lâm phối hợp với trạm kiểm lâm các xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền công tác PCCCR trong các buổi họp dân. Hướng dẫn đồng bào một số cách bảo đảm an toàn khi sử dụng lửa trên nương, ngoài ruộng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR Trịnh Duy Hùng yêu cầu, các địa phương xác định khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và chủ động phòng ngừa cháy rừng với phương án chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Bố trí lực lượng chữa cháy rừng trong mọi thời điểm, trong đó chú trọng tiếp nhận tin báo từ người dân bằng việc cung cấp đường dây nóng; lực lượng thường trực 24/24h tại các trạm bảo vệ và canh lửa rừng, ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng… Hình thành các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng ở các xã và tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp PCCCR đến từng nhà dân. Khi nhìn thấy có đám cháy hoặc sơ ý làm lửa lan ra khu vực kiểm soát gây cháy rừng phải lập tức thông báo cho nhân dân nơi gần nhất và những người có trách nhiệm để huy động lực lượng tham gia cứu chữa. Các địa phương cần chủ động "canh lửa" giữ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động canh lửa giữ rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.