(HNMO)-Phiên giao dịch đầu tuần, lực chốt lời cổ phiếu tăng mạnh khiến VN-Index hạ gần 6 điểm. Giao dịch tiếp tục ở mức cao.
Đầu phiên ngày 29-1, nhà đầu tư mua vào là chính, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu blue-chips, vì thế sắc xanh bao phủ gần kín bảng giao dịch điện tử, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng giúp cổ phiếu của nhóm này tăng mạnh, trong đó STB và BID được kéo lên mức giá trần, VN-Index có lúc tăng lên 1.130 điểm, cao hơn 1,3% so với mức tham chiếu. Tuy nhiên sau đó nhiều nhà đầu tư thực hiện hóa lợi nhuận bởi thị trường đã liên tục lên điểm những phiên vừa qua. Vì thế hết giờ giao dịch sáng VN-Index giảm 1,59 điểm, tương đương 0,14%, xuống 1.114,05 điểm.
Diễn biến của VN-Index phiên 29-1 |
Sang phiên giao dịch buổi chiều, bán ra vẫn là lựa chọn chính của nhà đầu tư. Lực cung mạnh khiến nhiều cổ phiếu lớn giảm giá như: VNM, SAB, BVH, BHN, FPT, GAS, PLX, HPG. Cổ phiếu VJC, doanh nghiệp đang nhận nhiều chỉ trích từ dư luận vì để người mẫu ăn mặc phản cảm trong chuyến bay đón ban huấn luyện và các cầu thủ U23 Việt Nam trở về nước vào hôm qua, lúc đầu mã này đáng kể nhưng sau đó cũng bị bán ra nhiều. Kết thúc phiên VJC giảm 500 đồng.
Đóng cửa thị trường, VN-Index hạ 5,84 điểm, tương đương 0,52%, xuống 1.109,8 điểm; VN30-Index dừng ở mức 1.096,78 điểm sau khi hạ 7,64 (-0,69%)
Lẽ ra chỉ số chung của thị trường có thể bị giảm mạnh hơn nếu như không có sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng: BID, CTG, EIB, MBB, VPB, HDB tăng 10-1.600 đồng; đặc biệt STB tăng trần 1.050 đồng. Tuy nhiên, nhóm này cũng đang chịu áp lực bán ra khá mạnh. Điều đó được thể hiện ở việc BID buổi sáng tăng trần thì buổi chiều không còn tăng trần nữa; VCB hiện sắc đỏ, giảm 1.100 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán khởi sắc: AGR, BSI, SSI tăng 10-1.300 đồng; chưa kể CTS tăng trần 850 đồng, HCM tăng hết biên độ 5.200 đồng.
Thanh khoản trên thị trường đạt mức cao với gần 280 triệu cổ phiếu và hơn 8.146 tỷ đồng được sang tay. STB dẫn đầu thị trường về thanh khoản với hơn 34 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công. Phiên này, ngoài STB, có 3 mã khác của ngành ngân hàng nằm trong top 10 mã có thanh khoản tốt nhất là CTG, MBB, HDB.
Trên sàn Hà Nội, mặc dù có tới 192 mã giảm giá, nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng giá (69 mã) nhưng HNX-Index vẫn tăng 0,53 điểm, lên 127,35 điểm. Đó là nhờ nhiều cổ phiếu lớn lên giá như BVS tăng 200 đồng, SHB tăng 900 đồng, SHS cộng 1.100 đồng, PVS tăng 100 đồng… Giao dịch tại đây cũng rất sôi động với gần 80 triệu cổ phiếu và 1.252 tỷ đồng được sang tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.