Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chộp giật” bóp nghẹt du lịch

Xuân Lộc| 17/07/2010 06:14

(HNM) - Những đợt nắng nóng gay gắt trong dịp hè năm nay khiến cho các điểm du lịch biển từ khắp Bắc, Trung, Nam trở nên quá tải. Kéo theo đó, nạn

(HNM) - Những đợt nắng nóng gay gắt trong dịp hè năm nay khiến cho các điểm du lịch biển từ khắp Bắc, Trung, Nam trở nên quá tải. Kéo theo đó, nạn "chặt chém" chụp giật, ô nhiễm môi trường, thực phẩm mất vệ sinh... lại thừa dịp "tung hoành".

Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng).

"9 tháng mài dao, 3 tháng chặt chém"
Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng, đẹp với trên 300 khách sạn, nhà nghỉ, nhưng luôn trong tình trạng "cháy" phòng. Anh Phạm Đạt, hướng dẫn viên của Công ty TNHH CMO phát triển du lịch và dịch vụ cho biết: "Giá thuê phòng ở Sầm Sơn thường từ 250-350.000 đồng/phòng (đối với những khu nghỉ bình dân có điều hòa). Tuy nhiên, vào những ngày cao điểm hoặc cuối tuần, giá thuê phòng tăng lên đến 650-700.000 đồng/phòng. Khi cháy phòng, nhiều nhà nghỉ tận dụng cả phòng của nhân viên, nhà kho ẩm thấp không có điều hòa để cho thuê. Cũng theo anh Phạm Đạt, không chỉ có giá phòng mà giá hầu hết các loại dịch vụ ăn uống, thuê phao tắm, chụp ảnh, thuê ngựa, đi xích lô... đều tăng giá, thay đổi giá. Nhiều trường hợp, du khách bị "chặt chém" đến vài trăm nghìn đồng chỉ vì "lỡ" ngồi ghế ngoài bãi biển, "lỡ" ăn vài con mực mà chưa hỏi giá trước... Chính kiểu làm ăn "chụp giật", thời vụ đã khiến Sầm Sơn bị mang tiếng xấu với câu ví von cửa miệng của du khách: "9 tháng mài dao, 3 tháng chặt chém".

Để tránh cái nắng nóng chưa từng có tại Hà Nội, gia đình chị Kim Phụng (ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc) đã tự tổ chức tour du lịch tại biển Cửa Lò. Thay vì được hưởng một tour du lịch nghỉ mát thú vị, gia đình chị Phụng đã chịu không ít phiền toái. Chị kể, giá thuê nhà nghỉ quá đắt nhưng chất lượng lại không đạt yêu cầu. Không chỉ phải sử dụng nước giếng khoan, du khách còn chịu cảnh mất điện liên tục. Đêm đến, cả gia đình không ngủ được vì tiếng ồn phát ra từ chiếc máy nổ. Đã vậy, thức ăn không bảo đảm vệ sinh khiến khách đau bụng, tiêu chảy. "Tưởng được đi nghỉ mát ai ngờ lại rước họa vào thân. Biết thế này, tôi đã không đưa cả nhà đến biển Cửa Lò", chị Phụng bức xúc.

Còn tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trong những ngày nắng nóng, lượng khách đến đây tăng đột biến, đặc biệt là vào ngày nghỉ cuối tuần. Trung bình mỗi ngày, Đồ Sơn đón khoảng hơn 1 vạn du khách. Lượng khách đông khiến cho bãi biển Đồ Sơn vốn đã bẩn nay càng xuống cấp nghiêm trọng. Nước biển đục ngầu, bãi tắm đầy rác không có người dọn. Đi dọc bờ biển, du khách không cẩn thận sẽ dẫm phải vô số mảnh thủy tinh, túi ni lông bẩn, thức ăn thừa... Thêm vào đó, tại bãi biển này, vấn đề an toàn vệ sinh cho du khách cũng đang bị bỏ ngỏ. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 130 nhà hàng nhưng chỉ có 85 đơn vị được cấp chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Du khách sẽ một đi không trở lại
Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, anh Hikari (du khách Nhật Bản) rất thích không khí trong lành, yên bình ở những bãi biển như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang. Điều mà anh Hikari cảm thấy tiếc, đó là những bãi biển đẹp như vậy lại có những hàng quán nhếch nhác, tạm bợ dựng lên san sát. Những quán hàng này tỏ ra thu hút đông du khách vào mùa cao điểm. Đáng nói là những quán hàng này là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường bởi hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác không được đầu tư hoàn chỉnh. Anh Hikari cho rằng, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vội vã mà thiếu sự đầu tư bài bản về chất lượng sẽ khiến cho du lịch phát triển không bền vững. Du khách ngày càng có yêu cầu và đòi hỏi khắt khe hơn về điều kiện vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch. Những điểm du lịch không đạt chuẩn sẽ chỉ thu hút khách lần đầu mà không có lần tiếp theo.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ cho rằng, vấn nạn "chặt chém", làm ăn "chụp giật" thường xảy ra tại các điểm du lịch vào mùa cao điểm nhưng đến nay, ngành du lịch vẫn chưa tìm ra "phương thuốc đặc trị" cho căn bệnh này. Nếu không có những bước phát triển cơ bản thì chính kiểu kinh doanh "ăn xổi ở thì" sẽ giết chết ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.

Ngay tại hội thảo quốc gia về phát triển du lịch Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ, ông cảm thấy buồn và tiếc khi các bãi biển của Việt Nam từ Trà Cổ, Đồ Sơn đến Cửa Lò đều đang đánh mất dần vẻ đẹp vốn có. Du lịch phải là ngành lấy chất lượng và hiệu quả là chính. Nếu chạy theo số lượng, không tập trung phát triển chất lượng, ngành du lịch sẽ không thể tạo ra sự đột biến, không thể phát triển bền vững.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chộp giật” bóp nghẹt du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.