(HNM) - Từ đầu năm đến nay, nhiều tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn Thủ đô đã bớt ùn tắc. Trước đó, Hà Nội đã có thêm nhiều công trình giao thông mới, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Hầm chui Thanh Xuân đưa vào khai thác đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Hoạt |
Giải quyết nhiều "nút thắt"
Những ngày đầu tiên của năm 2016, hàng loạt công trình giao thông trên địa bàn Thủ đô đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông (UTGT). Có thể kể đến các công trình trọng điểm như hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trần Duy Hưng do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư; dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên đầu tư theo hình thức hợp đồng BT với nhà đầu tư là Công ty CP Him Lam; dự án Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy dài khoảng 6,5km do Sở GT-VT Hà Nội làm chủ đầu tư. Và ngay trong những ngày cuối cùng trước thềm năm mới Bính Thân 2016, Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn đã đẩy nhanh tiến độ để tạm đưa vào khai thác một nửa đoạn tuyến của đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, nơi vẫn được coi là nút thắt "cổ chai" suốt gần 20 năm qua… Đã không còn những cảnh người và xe hỗn loạn, cố nhích từng mét đường ở những đoạn tuyến mà mới cách đây chưa lâu từng bị coi là "điểm nóng" giao thông như ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh… Đồng thời, trước đây muốn di chuyển hết đoạn đường Ô Đống Mác nối Nguyễn Khoái chỉ dài chừng nửa cây số (người dân vẫn quen gọi là đê Thanh Lương) luôn mất 7-10 phút bởi thường xuyên tắc đường, thì nay chỉ còn một vài phút...
Giảm thêm 8-10 "điểm đen"
Trong chương trình mục tiêu chống UTGT Thủ đô giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu ngay trong năm 2016 sẽ giảm 8-10 "điểm đen" trong số 44 điểm tồn tại từ cuối năm 2015 với thời giam ùn tắc giảm và không để phát sinh các "điểm đen" mới. Đây là mục tiêu rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh lượng phương tiện giao thông cá nhân không ngừng gia tăng và ý thức một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn hạn chế.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu nói trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT, giảm UTGT trên địa bàn năm 2016. Theo đó, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường công tác quản lý quy hoạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đi đôi với quản lý, khai thác hạ tầng giao thông một cách có hiệu quả; kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị được đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng tuyên truyền xây dựng nếp sống "văn hóa giao thông" và "văn minh đô thị".
Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng, thành phố sẽ tập trung các nguồn lực, ưu tiên lựa chọn đầu tư và hoàn thành trước các dự án trọng điểm, bức xúc như các đoạn tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, các tuyến đường xuyên tâm, đường hướng tâm; xây dựng Cầu Mọc; cải tạo nút giao và xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; xây dựng cầu Bắc Linh Đàm; chỉnh trang khu vực nút giao đầu phía bắc cầu Chương Dương; cải tạo, mở rộng tuyến đường dọc đê Long Biên - Bác Cổ - cầu Vĩnh Tuy (đoạn Trần Khát Chân - Vĩnh Tuy)…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, chống UTGT và tai nạn giao thông là "cuộc chiến" cam go và kéo dài, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Công việc đó phải được làm thường xuyên, liên tục. Để có được lời khen về thành quả trong công tác chống UTGT là rất khó nhưng khi một "điểm nóng" ùn tắc được xóa bỏ, người dân đi lại dễ dàng hơn, không còn bức xúc, thì đó cũng chính là một sự ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.