(HNM) - 1. Việc chi tiền, tài sản giá trị nhằm “bôi trơn, lót tay” (tiêu cực phí) cho cán bộ có chức, có quyền để thực hiện hoặc không thực hiện một việc gì đó đã không còn là chuyện lạ.
Thường ẩn dưới tên gọi mỹ miều là “hoa hồng”, "lại quả", việc chi “tiêu cực phí” đã trở thành lệ, thành “chế định” bất thành văn, là một trong những tác nhân làm tha hóa cán bộ, gây ra tình trạng “chạy” dự án, “chạy” thầu, thậm chí “chạy” chức quyền, bằng cấp, thành tích, khen thưởng...; là nguồn cơn gây ra mất dân chủ, cạnh tranh bất bình đẳng, làm suy yếu đội ngũ cán bộ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đó là những hành vi bị pháp luật ngăn cấm và xử lý rất nghiêm nếu bị phát hiện.
Thực tế, dư luận rất phẫn nộ và phản ứng gay gắt về vấn đề cán bộ có chức có quyền nhận “hoa hồng” để cá nhân, doanh nghiệp trúng thầu hoặc được chỉ định thầu các dự án; thậm chí, có người nhận “tiêu cực phí” cực lớn để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, đánh bạc, chạy án...
Ví dụ, vụ án cán bộ quân đội nhận “bôi trơn” để làm ngơ, tiếp tay cho các đối tượng buôn bán xăng giả tại một số tỉnh phía Nam đã và đang được điều tra cho thấy phần nào thực trạng này. Hay như Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á) bị khởi tố vì “bắt tay” với các đối tác, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 thu lời 500 tỷ đồng; chi "hoa hồng" gần 800 tỷ đồng càng cho thấy việc đưa và nhận “tiêu cực phí” như một tảng băng chìm đang tồn tại rất nghiêm trọng, gây ra độc quyền, đặc quyền và làm băng hoại đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Chi “tiêu cực phí” là một kiểu “vận động” bất hợp pháp theo phương thức “ông có chân giò, bà thò chai rượu”. Dưới góc độ pháp lý, đó thực chất là hành vi “đưa và nhận hối lộ”. “Hoa hồng”, “tiêu cực phí” càng lớn, càng nhiều thì càng dễ, càng nhanh chóng xô đổ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nếu họ không kiên định, vững vàng bản lĩnh chính trị. Vì lẽ ấy mà không ít doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh không đàng hoàng, thiếu trung thực đã đua nhau chi “tiêu cực phí” để có được hợp đồng, dự án...
Chi "tiêu cực phí" càng lớn thì hệ quả càng tai hại: chất lượng dự án, công trình xuống cấp sau khi sử dụng không lâu, thậm chí chưa đưa vào khai thác đã hỏng; ngân sách nhà nước không được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích mà thất thoát vào túi cá nhân hoặc một nhóm người. Đặc biệt, “tiêu cực phí” làm hư hỏng, tha hóa cán bộ, hại cho uy tín của Đảng, sút giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
2. Chỉ tính từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, đã có hàng chục cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền bị khởi tố, bị kỷ luật về Đảng ở các hình thức khác nhau vì tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cả hành vi nhận “tiêu cực phí”. Điều này cho thấy biểu hiện được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực” vẫn còn rất nhức nhối.
Để ngăn ngừa và xóa bỏ hiện tượng chi “tiêu cực phí” trong triển khai công việc ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, vấn đề quan trọng nhất là phải mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch các công việc có tính chất dịch vụ. Cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là trong thực hiện Luật Đấu thầu, trong mua sắm các vật tư, trang bị.
Ở tầm vĩ mô, để cán bộ không vướng vào những khoản “bôi trơn”, “lót tay”; muốn cho “tiêu cực phí” không còn tồn tại gây thiệt hại tới uy tín cơ quan, đơn vị, địa phương và uy tín của Đảng, Nhà nước thì việc quan trọng là tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Qua đó, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm công khai, minh bạch, để “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ” không có cơ hội tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được nhanh chóng thể chế hóa thành pháp luật. Nhà nước cũng cần nghiên cứu, có biện pháp nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Cần kiên trì giáo dục, tạo ra ý thức không muốn tham nhũng, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt, phải thực hiện việc kiểm tra Đảng thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, hiệu quả, xác định đúng các lỗi vi phạm và xử lý quyết liệt để mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn suy nghĩ “không muốn” tham nhũng.
Dân chủ, minh bạch trong thực thi công vụ là biện pháp gốc nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan công quyền và cũng là biện pháp quan trọng để hạn chế tối đa việc nhận “tiêu cực phí”. Bằng việc áp dụng các biện pháp và chế tài thật sự mạnh mẽ, sẽ ngăn ngừa được tệ "bôi trơn", nạn nhận "tiêu cực phí", để mọi công việc được thực thi công khai, rõ ràng trong một bộ máy hành chính trong sạch và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.