(HNM) - Không phải bây giờ mới xuất hiện tâm lý ngại va chạm với các vụ việc đấu tranh chống hành vi, hiện tượng tiêu cực; ngại trình báo cơ quan công an (CA) các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội (TTATXH), dù mình là nạn nhân. Song, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền đề cao tính chiến đấu, mở rộng dân chủ, phê bình và tự phê bình, tâm lý "ngại" vẫn nặng nề mới là điều đáng bàn và cần phải khắc phục.
Chuyện thường gặp
Ở nhiều đơn vị, địa phương, việc đấu tranh trên tinh thần xây dựng để chỉ ra những khuyết điểm, thiếu sót đã được thực hiện nghiêm túc. Kết quả là không ít vụ việc được phát hiện kịp thời, đưa ra xử lý thích đáng, không những ngăn chặn được những sai phạm lớn mà còn đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong quá trình triển khai chính sách, chủ trương. Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), quần chúng nhân dân cũng giúp đỡ không nhỏ cho lực lượng CA. Thứ trưởng Bộ CA, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, nhân dân đã cung cấp hàng chục triệu nguồn tin có liên quan đến ANTT, trong đó có 60-70% tin có giá trị giúp cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng.
Nhưng bên cạnh đó còn không ít vụ việc vi phạm, chậm được phát hiện, thậm chí có dấu hiệu bao che, dẫn đến hậu quả lớn. Đơn cử như gần đây, nhiều vụ việc tiêu cực khi được phát hiện đều trong tình trạng đã kéo dài, không được cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra cấp trên phát hiện và cuối cùng phải đưa sang cơ quan điều tra. Như trong vụ việc tiêu cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, cơ quan chủ quản trực tiếp không phát hiện sớm sai phạm, không kịp thời xử lý, dẫn đến tình trạng có đơn tố cáo vượt cấp và cuối cùng Thành ủy, UBND thành phố phải chỉ đạo giải quyết, cơ quan CA phải vào cuộc. Trong những vụ việc mất ANTT, nhiều nạn nhân chấp nhận "của đi thay người", không trình báo cơ quan CA, hoặc có trình báo thì cũng với tâm lý "may hơn khôn", không nhiều hy vọng. Ngay chính cơ quan CA cũng thừa nhận, trong nhiều vụ án hình sự, bị hại không khai báo vì lý do tài sản bị mất không quá lớn, thủ tục, quy trình điều tra còn phiền hà, mất thời gian. Điều đáng lo là do người dân, bị hại ngại trình báo đã dẫn đến việc cán bộ sai phạm càng lộng hành, một số ổ nhóm tội phạm càng ngang nhiên, trắng trợn. Thực tế, nhiều vụ việc gây mất TTATXH nghiêm trọng đã không được ngăn chặn kịp thời dẫn đến tình hình phức tạp, trở thành điểm nóng.
Tạo dựng niềm tin cho người dân
Để xảy ra tình trạng đó, trước hết là do việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn yếu, nặng về hình thức, nên trong sinh hoạt chính trị thường xuyên có biểu hiện nể nang, dẫn đến tiêu cực nội bộ chậm được phát hiện, khi phát hiện thì "cái sảy đã nảy cái ung". Người dám phát hiện, tố cáo còn phải chịu áp lực lớn từ phía dư luận, đồng nghiệp, gia đình nên tâm lý e ngại ngày càng phổ biến. Như trường hợp gần đây được công luận phản ánh về dược sỹ Trần Thị Kiều Oanh (công tác tại Sở Y tế Bình Phước), vì chống tiêu cực mà khổ sở, lao đao... Trên lĩnh vực ANTT, chính quyền, CA cơ sở có nơi còn bỏ qua những thông tin, vụ việc do dân trình báo, không giải quyết kịp thời khiến không ít người dân mất lòng tin. Vì thế, ở nhiều địa phương hộp thư, đường dây nóng tố giác tội phạm trở nên nguội lạnh trong khi mâu thuẫn nội bộ âm ỉ...
Ở một góc độ khác, đánh giá việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ CA trong thời gian qua, Bộ CA cũng cho rằng còn một số tồn tại, hạn chế. Ngày 26-8, Văn phòng Bộ CA ra thông báo nhận định, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do tâm lý ngại va chạm, chưa hiểu biết đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính nên người dân khi có vướng mắc thường không phản ánh, kiến nghị với CA các cấp. Song, quan trọng hơn, bên cạnh đó, chất lượng trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của người dân còn chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho người dân...
Để khắc phục tình trạng "ngại va chạm" trong đấu tranh chống tiêu cực, chống các biểu hiện vi phạm pháp luật khác, bên cạnh việc giải quyết sớm các yếu tố mang tính kỹ thuật - thủ tục hành chính, quan trọng nhất là cần củng cố niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Để làm được việc đó, từ bộ máy thanh tra, kiểm tra đến các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, thực sự coi ý kiến, kiến nghị của người dân là kênh thông tin quan trọng trong đấu tranh chống tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, từ đó có trách nhiệm nghiêm túc trong việc xác minh, xử lý thông tin do nhân dân cung cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.