(HNMO) - Chiều 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Trong bối cảnh chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách nhà nước giảm mạnh, nhiều đại biểu kiến nghị lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Có phương án dự phòng nguồn đất đai
Thảo luận ở tổ về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu. “Nước ta có diện tích chỉ hơn 300 nghìn km2, nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai đầu người rất thấp. Vì vậy, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả là điều quan trọng và phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta”, Chủ tịch nước phát biểu.
Theo Chủ tịch nước, đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hóa, tư nhân hóa cái gì nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi đời sau thì phải quản lý. “Vừa qua, chuyện giàu lên vì đất rất nhiều, nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp, các ngành”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cho rằng việc dành đất cho phát triển kinh tế là quan trọng, song Chủ tịch nước lưu ý việc dành dất cho văn hóa và môi trường sống của người dân cũng cần thiết.
Chủ tịch nước nhắc đến việc cần thiết phải có 15 triệu héc ta trồng rừng để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời đề nghị tiếp tục phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương với 6 triệu héc ta rừng để tạo ra môi trường sống hài hòa. Ngoài ra, cần dành đất cho phát triển công nghiệp ở những địa bàn vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên...
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) kiến nghị quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) phải gắn với quy hoạch xây dựng, có bản đồ sử dụng đất cũng như nhu cầu của các địa phương. Trong đó, việc quy hoạch cần phân cấp quốc gia quản lý đến đâu và địa phương quản lý đến đâu cho hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đất đai là tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, từ đó kiến nghị trong quy hoạch này cần dành quỹ đất cho chăn nuôi, bởi trong tương lai trồng trọt sẽ chuyển sang chăn nuôi nhiều hơn. Cùng với đó cần có phương án dự phòng nguồn đất đai trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.
Chú trọng phát triển kinh tế biển
Bày tỏ sự nhất trí cao đối với các báo cáo về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, kế hoạch này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ hội nhập.
“Việc ban hành kế hoạch là cần thiết cùng với các kế hoạch, mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì cần rà soát lại tổng thể các kế hoạch để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các kế hoạch với nhau. Cùng với đó, cần đánh giá kỹ tác động của đại dịch Covid-19 để có các kịch bản, giải pháp ứng phó phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, khâu đột phá chiến lược trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này. Đồng thời, chú trọng đến phát triển kinh tế biển, sự liên kết giữa các tỉnh có kinh tế biển để đến năm 2030 lĩnh vực này đóng góp 10% GDP cả nước”, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) chỉ ra những bất cập của nền kinh tế nước ta thời gian qua, đó là đầu tư công còn dàn trải; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn chưa đạt được kết quả như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng.
“Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tái cấu trúc nền kinh tế phải gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện ngân hàng số, hạn chế sử dụng tiền mặt; tập trung đầu tư cho kinh tế biển cũng như gắn kết các vùng kinh tế biển”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) kiến nghị về đánh giá kinh tế biển trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế. Theo đại biểu, trong điều kiện tăng chi, giảm thu như hiện nay thì ngân sách sẽ rất khó khăn. Vì thế, việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để tái cấu trúc, tập trung ưu tiên đầu tư là hết sức quan trọng. Trong đó, tiếp tục đầu tư cho hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sao cho hiệu quả hơn.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch Covid-19, do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Theo đại biểu, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.