Chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận Ba Đình; thông báo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp, đồng thời lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri - Ảnh: TH |
Đa số cử tri phấn khởi nhận thấy, Kỳ họp vừa qua của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, theo hướng mở rộng dân chủ. Cử tri quận Ba Đình đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các cử tri kiến nghị, chỉ nên áp dụng hai mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Người được lấy phiếu nếu mức độ không tín nhiệm cao hơn 50% tổng số phiếu thì nên cho thôi chức, không cần chờ đến phiên họp Quốc hội...
Bên cạnh đó, các cử tri cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả. Số vụ việc bị phát hiện chưa phản ánh thực tế. Nhiều vụ án lớn được phát hiện nhưng xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn tình trạng "giơ cao đánh khẽ", nhiều vụ xử án treo. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, văn bản phòng chống tham nhũng, thậm chí đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục trong trường học... Cử tri cho rằng, để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, nhưng phải có ưu tiên, trước hết là phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Nhiều cử tri kiến nghị liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc như: Mặc dù lương đã tăng, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu là: điện, xăng, các khoản thu học phí, viện phí... cũng tăng khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ cho người lao động…... cũng làm người dân hết sức lo ngại. Các cử tri cũng băn khoăn về thời gian Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII tới đây sẽ diễn ra quá dài và lo ngại về việc một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gây ra những hậu quả không mong muốn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thân đối với đời sống hàng ngày của nhân dân.
Trước ý kiến cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục cải tiến về tổ chức và hoạt động, rút ngắn thời gian Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp thứ 6 dự kiến họp khoảng một tháng rưỡi, là kỳ họp dài ngày nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vì nội dung có nhiều vấn đề lớn, hệ trọng, như: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Đất đai... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Quốc hội thảo luận tại hai kỳ họp, lấy ý kiến toàn dân và tại kỳ họp này sẽ thông qua toàn văn, nên phải dành thời gian thích đáng để thảo luận kỹ.
Mong muốn cử tri thông cảm và chia sẻ với hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư phân tích, chỉ rõ những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta: Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, với chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện công tác đối ngoại. Trong khi đó, phần đông đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, chỉ có 1/3 đại biểu chuyên trách, khối lượng công việc nhiều lại phải bảo đảm chất lượng. Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 11 luật, cho ý kiến về 9 luật và xem xét, thảo luận các vấn đề khác, nên thời gian họp dài hơn so với các kỳ họp trước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri về công tác xây dựng pháp luật; việc lấy phiếu tín nhiệm; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; về chính sách đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng; tình trạng giá cả gia tăng, bảo đảm đầu ra cho nông sản...
Trước sự quan tâm của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư chỉ rõ, dư luận đánh giá tốt, giúp cho những người có số phiếu tín nhiệm thấp cần cố gắng nhiều hơn, tự điều chỉnh, cải tiến tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi lấy phiếu tín nhiệm, dư luận còn nhiều ý khiến khác nhau, trong đó có cả các đại biểu Quốc hội. Đây là vấn đề mới, khó, chúng ta chưa làm bao giờ. Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, lắng nghe và sẽ bàn bạc với mục tiêu cố gắng làm cho việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả tốt hơn, phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao hơn.
Liên quan đến lo lắng của cử tri trước tình trạng ngày càng có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chiếm dụng đất, trong khi việc thực hiện chính sách đối với người dân bị thu hồi đất chưa tốt, Tổng Bí thư chỉ rõ, nếu có sai sót trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất với dân thì cần sửa chữa, rút kinh nghiệm, nhưng việc thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài là cần thiết. Trong thời gian qua, nếu không có các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, do đó, chúng ta phải tập trung làm tốt việc sửa đổi Luật Đất đai, việc ban hành các chính sách pháp luật phù hợp để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy được mặt tích cực.
Về tình trạng tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm. Tham nhũng là một bệnh, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nhiều khi lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, hình thức chủ nghĩa... Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và các Nghị quyết của Đảng đang được tập trung thực hiện, chính là nhằm chống cho được lợi ích nhóm, hiện tượng cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm chống cho được nạn tham nhũng, bao gồm cả phòng và chống, bao gồm nhiều biện pháp, cả xây dựng luật, nghị định, các quy định, quy chế làm việc...; phải quản lý từ gốc và khi phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.