(HNM) - TP Hồ Chí Minh lại một lần nữa bàn biện pháp chống quá tải bệnh viện bằng cách xây dựng thêm bệnh viện mới. Nhưng các chuyên gia ngành y tế cho rằng, chỉ có xây dựng thêm bệnh viện mà không quan tâm củng cố tuyến y tế cơ sở thì việc khắc phục quá tải trên địa bàn sẽ khó bền vững.
Hầu hết bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. |
Theo thống kê, mỗi năm ngành y tế TP Hồ Chí Minh khám và điều trị cho 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 40% - 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, khiến cho việc quá tải chồng quá tải, nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối như nhi khoa, ung bướu, chấn thương chỉnh hình… Tại cuộc họp mới đây với Chính phủ và các bộ, ngành về công tác chống quá tải bệnh viện, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận nêu rõ thực trạng thành phố khoảng 10 triệu dân nhưng chỉ có 112 bệnh viện với gần 32.000 giường bệnh, đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân. Đơn cử như Bệnh viện Ung bướu chỉ có 1.300 giường nội trú, vì lượng bệnh nhân đông, nên công suất sử dụng thực tế lên đến 247%, nghĩa là có lúc 3 bệnh nhân phải nằm chung 1 giường. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tương tự, trung bình mỗi ngày khoảng 7.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị nhưng chỉ có 1.400 giường khiến công suất sử dụng giường có khi tới 127%. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình với 500 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh ở đây cũng luôn ở mức 140%.
Trong hai năm gần đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng các biện pháp giảm tải tạm thời như thành lập 48 phòng khám vệ tinh của các bệnh viện cấp thành phố ở bệnh viện quận, huyện; đưa 59 bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ các phòng khám này; triển khai thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình; cử 1.768 cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến hỗ trợ cho hơn 50 bệnh viện của 31 tỉnh, thành. Đáng lưu ý, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án thành lập bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ của tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi…
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thêm bệnh viện để chống quá tải là cần thiết, nhưng với một đô thị đặc biệt như ở TP Hồ Chí Minh, dân số tăng nhanh (người nhập cư cao), nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, thì việc củng cố nhân lực, trang thiết bị y tế cho các phòng khám quận, huyện và trạm y tế cấp phường, xã là cần thiết. Nói như vậy không phải là đầu tư dàn trải, mà nâng cao chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh đồng đều. Bệnh nhẹ thì có thể khám, điều trị ở tuyến dưới, còn nặng thì mới lên tuyến trên khám, điều trị.
Nhưng cách nào để người dân yên tâm, tin tưởng với các phòng khám tuyến dưới? Các chuyên gia cho rằng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cần đầu tư nguồn nhân lực, thu hút người tài, có chính sách đãi ngộ phù hợp, mức lương bảo đảm cuộc sống thì họ mới yên tâm công tác. Đây được xem là biện pháp đầu tư, tạo sự phát triển cơ sở y tế đồng đều, tránh tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, giải quyết quá tải không phải chỉ cứ thêm giường bệnh mới, mà phải xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh làm sao giúp cho các địa phương khác có trình độ, dịch vụ, chất lượng tương đương. Đây mới là giải pháp bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.