(HNM) - Liên tiếp trong các ngày từ 16 đến 19-11-2010, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị những cơn mưa lớn vào buổi chiều kết hợp với triều cường gây ngập nặng. Ở khu vực trung tâm thành phố tình trạng nước ngập, kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân…
10 năm chống… ngập
Từ năm 2000, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai những dự án, công trình chống ngập. Song đến nay, với rất nhiều nghìn tỷ đồng và rất nhiều công sức, tình trạng ngập lụt nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Hiện TP Hồ Chí Minh còn khoảng hơn 200 điểm ngập, nhiều gần gấp đôi khi bắt đầu chống ngập!
Sau cơn mưa, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) biến thành sông. |
Khách quan mà nói, không phải các dự án chống ngập không phát huy hiệu quả. Bởi thực tế nhiều khu vực ngập nặng nay đã hết ngập hoặc giảm ngập nhờ các dự án chống ngập như khu vực đường Cô Bắc - Cô Giang (quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (quận 10), khu vực Bùng Binh Cây Gõ (quận 6)… Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có khoảng 20% điểm ngập ở khu vực nội thành được xóa nhờ các dự án chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm cùng một số dự án chống ngập nhỏ, lẻ khác. Vấn đề là hiện nay trên địa bàn lại phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới; nhiều kênh, rạch - điểm chứa nước lớn của thành phố vẫn bị lấn chiếm hoặc bị sa bồi mà chưa có kế hoạch nạo vét, bảo vệ! Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT, mặc dù khu đường sông, thanh tra sở thường xuyên phối hợp với các quận, huyện kiểm soát tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch; song cho đến cuối tháng 10-2010 trên địa bàn vẫn còn 17 vụ lấn chiếm chưa được xử lý trong đó có 7 vụ ở các tuyến đường sông do trung ương quản lý và 10 vụ ở các tuyến đường sông thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Ngoài ra, còn có khoảng 20 vụ xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ sông, kênh, rạch mà đến nay cũng chưa được xử lý dứt điểm.
TS Hồ Long Phi, Phó Ban điều hành chương trình chống ngập của TP Hồ Chí Minh cho rằng, diện tích đất mà các vụ lấn chiếm nêu trên vẫn rất nhỏ so với diện tích sông, kênh, rạch đã bị lấn chiếm và đã được… hợp pháp hóa! Đó là chưa kể hàng loạt vùng đất thấp, trũng trước kia vẫn làm nơi chứa nước khi mưa xuống và triều lên đã bị san lấp. Không phải ngẫu nhiên mà trong khi mực nước biển bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng mới chỉ dâng thêm 4-5mm/năm, mà mực nước sông, kênh trong thành phố đã dâng 1,5-2cm/năm. Vùng đất của nước ngập tự nhiên đã bị lấn chiếm quá nhiều, đây là lý do chính mà theo một số nhà khoa học, làm cho đỉnh triều ở TP Hồ Chí Minh liên tục tăng trong mấy năm qua.
Chống ngập bằng ý thức
Như trên đã nói, TP Hồ Chí Minh bị ngập nước một phần lớn do sự thông thoát của hệ thống sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, không ít kênh, rạch vừa mới được nạo vét xong đã bị… ngập đầy rác trở lại. TP Hồ Chí Minh đã có khá nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác xuống sông, kênh, rạch như chương trình "Ngày chủ nhật xanh", chương trình "Thực hiện nếp sống văn minh đô thị". Song, dường như tình trạng vứt rác xuống sông, kênh, rạch vẫn chưa chấm dứt. Cách nay mấy năm, thành phố đã phải chi hàng chục tỷ đồng cho việc vớt rác trên sông, kênh, rạch nhưng kết quả cũng không như mong muốn. Ở nhiều nơi, nhiều đoạn sông, kênh, rạch công nhân vệ sinh vớt rác vừa quay mặt đi là… sông, kênh, rạch lại ngổn ngang rác thải. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân không vứt rác xuống sông, kênh, rạch song song với việc xử lý nghiêm hành vi này. Ông Đặng Văn Khoa nói, vẫn biết rằng việc bắt quả tang và xử lý hành vi vứt rác không dễ vì chính quyền các địa phương thường thiếu cán bộ thực hiện. Thành phố nên xem xét và tăng cường thêm đội ngũ cán bộ bảo vệ môi trường bởi chi phí cho đội ngũ này dù lớn nhưng không thể lớn bằng chi phí sẽ phải bỏ ra để làm sạch sông, kênh, rạch.
Chống ngập, là một câu chuyện dài của một thành phố chằng chịt kênh, rạch. Vấn đề là phương án và cách chống ngập ra sao để có thể "làm chủ thiên nhiên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.