(HNM) - Dư luận chưa kịp mừng về việc kiềm chế được chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng vừa qua thì dường như lại đã lo âu trước sự xuất hiện một "cơn lốc" tăng giá mới.
Trước hết là chuyện giá xăng. Khi các "đại gia" được trao quyền quyết định giá theo cơ chế thị trường, chỉ trong ba tuần (từ ngày 20-7 đến 13-8), mặt hàng này đã tăng giá ba lần, tổng cộng là 2.400 đồng/lít xăng. Rồi giá nước sạch tăng 25% từ ngày 12-7; điện tăng giá thêm 5% từ ngày 1-7; gas tăng thêm 50-60.000 đồng mỗi bình; từ ngày 1-8, 447 dịch vụ y tế được cơ quan chức năng cho phép áp dụng mức giá mới (chỉ tăng chứ không giảm); học phí năm học mới 2012-2013 cũng sẽ tăng… Điều đó dẫn đến giá cước vận tải, giá các loại hàng hóa dịch vụ cũng có cớ tăng theo. Đến mớ rau cũng viện dẫn việc tăng giá xăng dầu để tăng giá gấp rưỡi bình thường.
"Điệp khúc" tăng giá xuất hiện, một số ngành, cơ quan quản lý đứng ra giải trình, phân bua với nhiều lý lẽ để thấy rằng, chuyện phải tăng giá là bắt buộc, doanh nghiệp không thể mãi thua lỗ, Nhà nước cũng không thể mãi đứng ra bù giá… Vậy là các "thượng đế" cần chia sẻ để hài hòa quyền lợi của ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều đó là cần thiết, nhưng vấn đề là ở chỗ sự tăng giá của một số mặt hàng đã là hợp lý hay chưa trong khi người tiêu dùng hoàn toàn không có những thông tin về các thông số cấu thành mặt bằng giá. Khi chuyện làm ăn buôn bán của các doanh nghiệp, đặc biệt là của các "ông lớn" đang giữ vị trí độc quyền đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu… vẫn chưa thực sự công khai minh bạch thì người tiêu dùng rất cần sự trợ giúp, bảo vệ quyền lợi của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy mới tạo nên sự công bằng, hợp lý trong việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng dù là tăng hay giảm. Nhưng tiếc rằng, đến lúc này, nhìn lại mới thấy những bất cập trong công tác quản lý của chúng ta một thời gian dài vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể là tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khi một số cơ quan chức năng vừa được giao nhiệm vụ làm chính sách, lại vừa làm công việc quản lý doanh nghiệp, giám sát mặt bằng giá. Điều đó dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, "ông lớn" kinh doanh, sản xuất bao giờ cũng có lãi vì luôn nhận được sự "bảo hộ" của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí nếu họ có làm ăn thua lỗ do năng lực quản lý yếu kém (như tình trạng thất thoát tài sản điện, nước trên đường truyền dẫn; đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả…) thì cũng chẳng sao, quá lắm là lại tăng giá để người tiêu dùng cùng chia sẻ… khó khăn. Nói một cách khác, sự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý là chưa rõ ràng, công tác thanh kiểm tra, kiểm soát còn bộc lộ nhiều yếu kém. Thậm chí nhiều khi cơ quan chức năng còn chịu cảnh "bó tay" trước những chiêu lách luật trong đề xuất tăng giá của các doanh nghiệp. Trong khi đó, sự bảo hộ cho quyền lợi của người tiêu dùng dường như còn bỏ ngỏ.
Vì những nguyên nhân trên, có thể thấy đã đến lúc cần có một cơ quan độc lập thực hiện trách nhiệm giám sát thị trường. Như vậy mới có thể cân bằng được lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các "thượng đế" không còn phải bơ vơ đứng giữa trời vì không được ai bảo hộ nhưng cũng không có cách lựa chọn nào khác khi vẫn còn tồn tại những "ông" độc quyền như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.