(HNM) - Theo quy định, lực lượng quân đội sẽ chỉ được huy động trong các tình huống phi quân sự khẩn cấp. Thực tế nhiều năm gần đây, ngoài hoạt động cứu hộ, cứu nạn vì thiên tai, hỏa hoạn thì ít có trường hợp khẩn cấp nào liên quan đến lĩnh vực y tế chúng ta phải huy động đến bộ đội.
Nhưng trước mối đe dọa của dịch cúm gia cầm, ở một số địa phương bộ đội đã chính thức phải vào cuộc. Tỉnh Lạng Sơn, một "cửa ngõ" có thể xâm nhập của virus H7N9, hiện đã lập 24 chốt gác tại các điểm nóng buôn lậu gia cầm với sự tham gia của bộ đội biên phòng. Lạng Sơn cũng lên kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 70-100 giường bệnh, phòng khi có virus H7N9 xuất hiện.
Nói như vậy để thấy mức độ đe dọa của dịch bệnh này đang ở cấp độ nào. Tính đến ngày 20-2, cả nước đã có 16 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người, đồng thời thành lập 15 đoàn kiểm tra, 8 đội ứng phó nhanh để kiểm tra, xử lý khi phát hiện virus cúm. Chống dịch giờ đây có thể coi là một "chiến dịch" thực thụ nhằm ngăn chặn mối nguy hại xâm nhập vào từ bên kia biên giới.
Nhưng cũng thật đáng ngại khi ở cấp trên đang căng sức chống thì ở nhiều địa phương, nhất là trong dân cư, ý thức về phòng ngừa lại rất kém. Bất chấp thực tế đã có người chết vì cúm H5N1, bất chấp dịch ở nước láng giềng Trung Quốc đang ở mức cao trào, làm chết tới 110 người và hiện đang "rình rập" xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào thì ở nước ta vẫn đang có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Người dân, chính quyền một số nơi tỏ ra rất thờ ơ với việc phòng, chống dịch; hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm thiếu an toàn vẫn diễn ra phổ biến. Vì lợi nhuận, người ta không từ thủ đoạn nào để lén lút nhập lậu gia cầm không có kiểm soát, tiêu thụ gia cầm có xuất xứ ở vùng có dịch…
Trước nay, dịch bệnh vẫn là một trong những mối đe dọa tiềm tàng với con người. Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều loại dịch bệnh khủng khiếp như dịch tả, đậu mùa, sốt xuất huyết… Vào thế kỷ XIV, dân số Châu Âu từng giảm một nửa bởi dịch hạch, còn hồi đầu thế kỷ trước dịch cúm Tây Ban Nha cũng cướp đi sinh mạng khoảng 20 tới 100 triệu người trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, các loại bệnh dịch như SARS hay cúm gia cầm vốn vẫn đe dọa từ nhiều năm qua, song như dân gian vẫn có câu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ", nên có lẽ khi người ta còn chưa thấy nó ảnh hưởng tới nhà mình thì còn chưa biết sợ hãi. Thậm chí cả một số cấp quản lý cũng vì "bệnh thành tích" mà sẵn sàng giấu dịch hoặc làm ngơ với hiểm họa dịch bệnh. Vài hôm trước, khi 11 tỉnh, thành đã xuất hiện dịch, nhưng cũng chỉ có 5 địa phương công bố có dịch. Trước nhiều nghi vấn đặt ra về thái độ, trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải lên tiếng nhấn mạnh: Nhân dân có quyền biết đúng sự thật về tình hình dịch bệnh. Chỉ khi nhân dân biết đúng tình hình thì mới có hành động đúng…
Chống dịch, chặn dịch không phải chỉ từ biên giới, mà phải từ ngay trong ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền. Không thờ ơ, nhưng cũng không được qua quýt hoặc thái quá khiến dân hoang mang dẫn đến tẩu tán gia cầm mắc dịch, hoặc người tiêu dùng tẩy chay vô căn cứ. Khi ấy thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở chuyện bệnh tật mà thôi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.