(HNM) - Nhiều năm nay, tại khu vực Đông Nam Á, vật Việt Nam không có đối thủ. Nhưng tại ASIAD, chưa bao giờ các đô vật nước nhà đoạt HCĐ. ASIAD tới cũng vậy. Yếu tố con người thì có nhưng các chuyên gia vẫn tần ngần khi nói về cơ hội đoạt huy chương, cho dù là màu đồng, của vật Việt Nam.
Khó trông cậy các đấng mày râu
Huy chương tại ASIAD đặt trên vai các đô vật nữ.
Những đô vật nam hiện nay dù có nhiều điều kiện tập luyện nhưng so với những thế hệ trước vẫn có một khoảng cách về trình độ cũng như đam mê. Trước ASIAD này, không ai dám đặt cửa đoạt huy chương vào các đô vật nam dù đội tuyển có 3 vận động viên. Không bù cho trước đây, khi đô vật Mẫn Bá Xuân còn sung sức, ít nhiều anh cũng được kỳ vọng đoạt huy chương. Thực tế, tại ASIAD 14 năm 2002, anh đã suýt đoạt HCĐ khi lọt vào bán kết. Nếu theo điều lệ hiện nay, không có trận tranh HCĐ, Mẫn Bá Xuân đã đoạt ASIAD đầu tiên cho vật Việt Nam. Giờ đây, khi Mẫn Bá Xuân chia tay sự nghiệp VĐV, khó tìm được đô vật nào có lối ra đòn dũng mãnh, thường cầm chắc phần thắng trước các đối thủ ở Đông Nam Á và có đam mê như Mẫn Bá Xuân.
Một số chuyên gia vật đã khẳng định, việc đưa các đô vật nam tham dự ASIAD không ngoài mục đích cọ xát với những cao thủ châu lục. Ở đó, những đô vật của Liên Xô cũ, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Iran… đều vượt trội và trình độ đã vươn lên tầm thế giới nên các đô vật ta thắng trận nào hay trận đó.
Kỳ vọng trên vai phái yếu
Sinh sau đẻ muộn so với vật nam nhưng các đô vật nữ lại gây ấn tượng mạnh với hàng loạt huy chương châu lục. Lê Thị Trang và giờ là Nguyễn Thị Lụa đã khiến các nhà quản lý, chuyên gia dám nói đến khát vọng đoạt huy chương châu lục cũng như ASIAD. Dù sao ở châu Á, vì ít quốc gia phát triển vật nữ nên có nhiều cơ hội cho các đô vật Việt Nam. Lần này, cơ hội đoạt huy chương đồng, cũng là huy chương ASIAD đầu tiên của vật Việt Nam được đặt trọn vào VĐV Hà Nội Nguyễn Thị Lụa dù trong danh sách dự có tới 4 người. 3 đô vật nữ khác là Phạm Thị Huế, Lương Thị Quyên, Trần Thị Hoa hầu như không có cơ hội tranh chấp huy chương. Cả ba đều khá lớn tuổi, ít nhất cũng sinh năm 1987, lớn nhất là sinh năm 1985. Trong làng vật nữ, ở độ tuổi này, các đô vật hầu như đã qua thời phong độ. Lương Thị Quyên, Phạm Thị Huế từng đoạt HCV SEA Games nhưng hiện tại chỉ là cái bóng của chính mình mấy năm trước; Trần Thị Hoa lớn tuổi nhất, chưa bao giờ tham dự SEA Games, trình độ cũng thường thường bậc trung và là sự lựa chọn khó hiểu nhất của đội tuyển vật Việt Nam. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi, việc cử 3 đô vật này tham dự ASIAD nhằm mục đích gì? Nếu để tranh chấp huy chương thì không còn để học hỏi cọ xát thì nên cử những người trẻ.
Thực tế, trong 4 đô vật nữ dự ASIAD lần này chỉ Nguyễn Thị Lụa là xứng đáng tham gia hơn cả. Cô còn trẻ, sinh năm 1991, lại có kỹ thuật, tốc độ ra đòn và sự lì đòn. Riêng tốc độ ra đòn của Lụa còn tốt hơn cả đàn chị Lê Thị Trang - đô vật nữ sáng giá nhất của vật Việt Nam từ trước đến nay. Hạng cân 48kg của Lụa có sự xuất hiện của những đô vật Nhật Bản, Trung Quốc nhưng vật Việt Nam từng có lúc thắng hai cường quốc vật nữ hạng nhẹ này nên cơ hội huy chương vẫn mở ra. Nhưng đầu tư cho Lụa thế nào để đoạt được mục tiêu ấy lại là điều đang gây băn khoăn.
Giữa tháng 3, Lụa tập trung ở đội tuyển quốc gia nhưng được hơn một tuần lại về Hà Nội đi tập huấn cùng CLB tại Trung Quốc. Quá trình tập huấn tại Trung Quốc của Lụa hoàn toàn hướng vào mục tiêu giành HCV tại ĐH TDTT toàn quốc, nơi vật nữ Hà Nội gặp phải sự cạnh tranh gắt gao từ các đoàn khác. Hoàn thành nghĩa vụ với CLB, Lụa mới tập trung trở lại cùng đội tuyển quốc gia vào giữa tháng 9 và mất gần nửa tháng để hồi phục. Vì vậy, thời gian chuẩn bị cho ASIAD của cô gái Hà Nội này chính xác chỉ là hơn một tháng, quá ít để dành cho mục tiêu chinh phục tấm HCĐ ASIAD. Lẽ ra, với riêng trường hợp này phải có chiến lược dài hơi hướng đến ASIAD. Với cách chuẩn bị thời gian như vừa rồi thì cơ hội đoạt HCĐ của cô lại trở thành dấu hỏi lớn dù khả năng của cô có thừa. Không kể, chấn thương khớp vai của Nguyễn Thị Lụa cũng không được điều trị đến nơi đến chốn. Mức độ chưa đến nỗi nghiêm trọng để phải phẫu thuật, nhưng bao khớp vai cứ lỏng như hiện tại thì hoàn toàn chấn thương này có thể trở nên nghiêm trọng bất cứ lúc nào, thậm chí trong khi thi đấu tại ASIAD. Vật Việt Nam từng nuối tiếc phải chia tay Lê Thị Trang khi cô đang hồi sung sức vì chấn thương vai. Giờ người kế thừa xứng đáng của cô là Nguyễn Thị Lụa lúc nào cũng thường trực nguy cơ đó.
Khả năng đoạt HCĐ của vật Việt Nam tại ASIAD 16 chông chênh là thế!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.