Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ cầu phao đều do UBND xã giao thầu cho người dân địa phương đầu tư xây dựng, khai thác và thu phí. Chính vì điều này nên mỗi nơi quản lý, sử dụng và vận hành cầu phao một kiểu, nhưng điểm giống nhau là chính quyền địa phương gần như phó mặc việc bảo đảm an toàn cho... chủ đầu tư cây cầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ cầu phao đều do UBND xã giao thầu cho người dân địa phương đầu tư xây dựng, khai thác và thu phí. Chính vì điều này nên mỗi nơi quản lý, sử dụng và vận hành cầu phao một kiểu, nhưng điểm giống nhau là chính quyền địa phương gần như phó mặc việc bảo đảm an toàn cho... chủ đầu tư cây cầu. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa), ông Hồ Văn Dư cho biết, cầu phao Viên Nội là do người dân tự đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành nhưng không bảo đảm an toàn. Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã trong kiểm tra, nhắc nhở bảo đảm an toàn giao thông trên cầu phao, ông Dư cho biết, hợp đồng cho thuê thầu là của chủ tịch xã khóa trước, chưa rõ cụ thể như thế nào, chỉ biết mỗi năm thu của chủ cầu 1 triệu đồng. “Khi mùa nước dâng cao, UBND xã Viên Nội và UBND xã Bột Xuyên đều phối hợp yêu cầu chủ cầu ngắt nhịp để bảo đảm an toàn” - ông Dư cho biết.
Học sinh đến trường qua cầu phao Kinh Đào huyện Mỹ Đức. |
Cách cầu phao Viên Nội không xa là cầu phao Kinh Đào bắc qua sông Đáy, nối thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) và thôn Kinh Đào, xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức). Dài khoảng 70m, cây cầu được đầu tư hạ tầng cơ bản, gồm mặt cầu rộng 2m hàn bằng những thanh thép, lan can cao khoảng 80cm, đường lên xuống đổ bê tông, nhìn tương đối chắc chắn so với những cầu phao khác. Chủ đầu tư gồm gia đình ông bà Vũ Nam Cao - Vũ Thị Thêu (xã Sơn Công) và ông Nguyễn Văn Đạo (xã An Mỹ). Theo bà Vũ Thị Thêu, trước đây mặt cầu bằng gỗ, đến tháng 5-2016 cầu được đầu tư bằng sắt với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng. Mỗi tháng chủ cầu nộp 1,3 triệu đồng tiền phí thuê thầu chia đều cho UBND xã Sơn Công và UBND xã An Mỹ. Sau khi xây dựng cầu phao mới, người dân qua cầu đã phản ánh chủ cầu Kinh Đào tự ý nâng phí qua cầu cao hơn quy định (thu từ 8.000 đến 10.000 đồng/lượt đi và về bằng xe máy trong khi quy định trong hợp đồng với UBND xã là 2.000 đồng/lượt). Trước sự việc này, đầu tháng 8-2016, UBND huyện Ứng Hòa đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo UBND xã Sơn Công chấn chỉnh, yêu cầu chủ cầu nghiêm túc niêm yết bảng thu phí ở hai đầu cầu. Ngày 7-9-2016, có mặt tại đây chúng tôi thấy chủ cầu đã niêm yết giá vé lượt đi - về với người đi bộ 1.000 đồng, xe đạp 2.000 đồng, xe máy 4.000 đồng và người kèm quang gánh 3.000 đồng.
Nhưng đó là nhờ nơi chính quyền kiên quyết, còn quá trình đi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các cầu phao chưa niêm yết giá vé. Các chủ cầu cũng tự định giá vé như cầu Cát Quế I thu 2.000 đồng/lượt xe máy, cầu Viên Nội thu 3.000 đồng/lượt xe máy… Đáng lo ngại, các biện pháp và trang bị dụng cụ cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn giao thông như phao cứu sinh, cắm biển báo, lắp đèn chiếu sáng, dựng bảng nội quy… tại các cầu phao chưa được chú trọng đúng mức. Hầu hết các cầu chỉ bố trí một người (thường là nữ) trực để thu phí. Trang thiết bị phòng hộ như áo phao, dụng cụ nổi, phao bằng săm lốp ô tô v.v... tuy có, nhưng lại... cất kỹ trong kho. Trong khi đó chính quyền các xã cũng chưa kiên quyết trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cầu phao. Cầu phao Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) sau khi xảy ra tai nạn chết người, UBND xã đã yêu cầu chủ đầu tư cắt cầu dừng hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm này cầu vẫn hoạt động.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc tồn tại những cây cầu phao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đường thủy nội địa. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, 3 cầu phao gồm Đanh, chợ Sêu, chợ Mới thuộc địa phận huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức nằm trên đoạn sông Đáy do trung ương quản lý, có hoạt động đường sông (đoạn từ thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa đến hết địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Bốn cây cầu khác là Kinh Đào, Áng Hạ, Lai Xá và Lương Phúc trên sông Đáy và sông Cà Lồ nằm trên đoạn sông do địa phương quản lý, đã được UBND TP Hà Nội công bố là tuyến thủy nội địa.
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương, cầu phao tồn tại là để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán của nhân dân trong vùng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh cho biết, cầu phao trên địa bàn huyện hình thành từ năm 1990, thay cho việc chở đò trước đây. Thực tế cho thấy nếu đi qua các cầu cứng thì người dân phải đi vòng rất xa mới có đường sang như khoảng cách từ Tế Tiêu xuống cầu Đục Khê là 15km, cầu Tế Tiêu đi cầu Phùng là 7km, cầu Phùng đi cầu Ba Thá là 13km… Vì xa xôi nên hằng ngày vẫn có nhiều người dân chọn cầu phao để qua sông cho gần. Trong những năm qua có 3 cầu là Ba Thá, Tế Tiêu, Bến Đục được đưa vào sử dụng, giải quyết được nhu cầu rất lớn cho nhân dân trong vùng đi lại, buôn bán. Tuy nhiên, hiện còn cầu Hòa Viên chỉ thiếu đường dẫn bên Mỹ Đức, nếu thông cầu sớm sẽ đáp ứng việc đi lại của nhân dân giữa khu vực 3 huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa. Bên cạnh việc duy tu, sửa chữa và tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các cây cầu phao hiện có, bà Hoàng Thị Vân Anh cho biết, huyện Ứng Hòa tiếp tục đề nghị thành phố đầu tư xây dựng thêm 3 cầu bắc qua sông Đáy để người dân không phải qua lại bằng cầu phao như hiện nay.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông I (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) - đơn vị vừa thực hiện đợt khảo sát các cầu phao trên địa bàn thành phố - cho biết, trong 14 cầu phao hiện nay có 7 vị trí trùng hoặc gần vị trí cầu đã quy hoạch, hoặc đang đầu tư. Cụ thể có 2 cầu trùng với cầu đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư là cầu phao Mỹ Lương - cầu Gốm và cầu phao Tràng Cát - cầu Hoàng Thanh; 1 cầu trùng với cầu trong quy hoạch đường Đỗ Xá - Quan Sơn là cầu phao Phù Lưu Tế; cầu phao Viên Nội và cầu phao Tía gần với cầu Mỹ Hòa đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; cầu phao Cát Quế 1 và Cát Quế 2 gần cầu Yên Sở. Từ thực tế này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố, kiến nghị một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để bảo đảm an toàn cho người dân. Theo đó những cầu trùng quy hoạch, cầu yếu, cấp bách, sẽ tập trung đầu tư để thay thế, gồm cầu Gốm và cầu Hoàng Thanh; cầu qua sông Đáy trên đường quy hoạch Quan Sơn - Đỗ Xá. Đối với những cầu gần với cầu đang khai thác và cầu đang đầu tư xây dựng mới, các địa phương rà soát các đường hiện trạng và trong quy hoạch, để có thể kết nối với các cầu này, gồm cầu phao Viên Nội và cầu phao Tía kết nối với cầu Mỹ Hòa đang được Sở Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng mới; rà soát các đường kết nối hai bên khu vực 2 cầu phao Cát Quế 1, Cát Quế 2 (Hoài Đức) với cầu Yên Sở trên đường 422. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị giải pháp trước mắt đối với những cây cầu đã có giải pháp thay thế, trong quá trình chờ đầu tư các cầu, đường thay thế, phải được sửa chữa để bảo đảm an toàn giao thông. Đối với 7 cây cầu còn lại chưa có giải pháp thay thế nhưng nằm trong quy hoạch tiếp tục được tồn tại cần được sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông và hoạt động theo hình thức xã hội hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.