(HNM) - Không khí có độ ẩm cao, kéo dài nhiều ngày là kẻ thù của các thiết bị điện tử bởi rất nhiều linh kiện trong đó nhạy cảm với độ ẩm, dễ bị hỏng hóc do gỉ sét, phóng điện, lỗi vi mạch…
Khi trời ẩm, các thiết bị điện tử cần được làm vệ sinh thường xuyên, di chuyển khỏi nơi quá thấp hay sát tường để giảm độ ẩm, tránh đọng nước gây hoen gỉ các chi tiết bằng kim loại. Các đầu giắc cắm, khớp nối, đinh, ốc vít… cần được lau khô thường xuyên. Nếu chúng đã bị gỉ thì cần dùng giẻ thấm cồn để lau sạch. Với những thiết bị có nắp đạy, có vỏ dễ tháo lắp thì có thể mở ra, dùng máy sấy thổi khô. Với các thiết bị có kết cấu khó xử lý hơn như máy ảnh, ống kính máy ảnh thì nên dùng máy sấy khô từ bên ngoài hoặc bảo quản trong tủ chống ẩm riêng, hay trong hộp kín có các túi silicagel hút ẩm.
Có thể đặt các thiết bị điện tử trên nóc hoặc gần vô tuyến để chống ẩm, tuy nhiên, lưu ý là không nên để quá lâu kẻo gây nóng giòn các vi mạch, dễ dẫn đến hỏng hóc. Với máy tính, điện thoại, TV thì không nên tắt hẳn nguồn trong thời gian dài, mà nên để chế độ chờ (stand by) để duy trì các mạch điện tử luôn ở nhiệt độ thích hợp, không bị tác động bởi độ ẩm. Theo các chuyên gia, không nên bảo quản ống kính máy ảnh ở môi trường quá khô vì các chi tiết của máy được bao phủ một lớp dầu mỏng. Nếu máy ở môi trường quá khô trong thời gian dài thì lớp dầu sẽ khô, khiến các chi tiết chuyển động không trơn tru. Độ ẩm lý tưởng cho việc bảo quản máy ảnh, ống kính là 35-50 độ C.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.