(HNMĐT)- Tác phẩm
Nhà văn Lý Nhuệ sinh năm 1950 tại Bắc Kinh, là một trong những cột trụ lớn nhất của văn học Trung Quốc đương đại. Ông bắt đầu sự nghiệp viết văn từ năm 1970. Các tác phẩm chính: tập truyện ngắn Hậu thổ, các tiểu thuyết: Cây không gió, Chốn xưa, Ngàn dặm không mây, Câu chuyện Ngân Thành. Tác phẩm Chốn xưa được bắt đầu từ một câu chuyện có thật của gia tộc tác giả, ở Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên. Song Lý Nhuệ cho rằng, chỉ có bóng dáng gia tộc mình trong đó, còn gia tộc họ Lý trong tác phẩm không phải là lịch sử dòng họ của ông “Tôi không viết một dòng họ, một thành phố, tôi viết về con người, về sinh mệnh, viết về Trung Quốc”.
Có nhiều tuyến nhân vật, nhưng mỗi nhân vật đều khắc đậm dấu ấn cá nhân, đều là những cái tên gợi nhiều cảm xúc. Từ viên tướng Dương Sở Hùng giỏi giang, uy danh nổi khắp bốn phương, mưu trí trong những trường hợp không còn hi vọng - đến anh Đông làm nghề gánh nước thuê. Từ hai thiếu nữ xinh đẹp ở biệt thự Vườn Trúc –Thu Vân và Tử Vân - đến câu chuyện dài về những mâu thuẫn giữa hai dòng họ Lý-Bạch. Từ cuộc đời của 3 chị em sớm mồ côi cha mẹ: Lý Tử Hận, Lý Tử Vân và Lý Nãi Chi đến biết bao uẩn khúc sinh ly tử biệt, cải tử hoàn sinh của nhà Cửu Tư Đường. Từ những câu chuyện về thê thiếp dẫn tới những cuộc tình giằng co trong man dại, dẫn những người họ hàng như Dương Phượng Nghi và cô em họ Liễu Quỳnh Cư trở thành kẻ thù không đợi trời chung kéo theo những án mạng oan khuất...
Có thể nói Chốn xưa viết về sự tuyệt vọng. Tài nữ Lý Tử Hận cả một đời thờ Bồ Tát, sau này trở thành bà Sáu Hận, đảng viên hoạt động bí mật, vẫn không cách gì lý giải cho cháu về những biến động luôn đổi thay “Mấy chục năm nay, người ta cứ giết đi giết lại lẫn nhau”. Bởi thế, rốt cuộc bà lại là người đi tìm xác chồng và cháu bị đẩy xuống từ cầu “tẩy não” trong Đại cách mạng Văn hoá. Và bởi thế, bà đã chọn một cái chết âm thầm ngay tại chính ngôi nhà của mình. Cả với những người xả thân đi tìm lý tưởng như Lý Nãi Chi, đến mức sẵn sàng khước từ cả tình yêu, bỏ lại phía sau công danh, tiền bạc để lao vào hiểm nguy - rốt cuộc trở thành một thứ trưởng phải đi chăn bò vì không chứng minh được sự trong sạch, rốt cuộc tự chôn mình trong thứ men ngất ngư của rượu.
Có quá nhiều thứ ở Ngân Thành thay đổi. Những nét đẹp được coi là biểu tượng của thành phố lần lượt bị tàn phá bởi ý chí con người. Cây hoè năm trăm tuổi, hai cổng đá uy nghiêm rốt cuộc cũng bị xô đổ. Bức tường đá từng dính đầy óc trắng, máu đỏ của 108 con người. Những người con của Ngân Thành có khi vì giữ mạng mà từ cha mẹ như Diên An, khi mẹ mất, cha mất gọi về nhất quyết không nghe lời, tự nguyện lấy anh Lệch chăn cừu làm chồng... Chốn xưa gây bàng hoàng vì không né tránh thảm khốc, lần lượt mô tả những đổ vỡ cả về tính mạng, tinh thần và cảnh sắc của Ngân Thành trong một thời đại dâng tràn chảy xiết. Nhưng chính trong cái vòng luẩn quẩn của sự tự huỷ hoại của một giai đoạn lịch sử huy hoàng và đau thương viết bằng máu người, có thể thấy rõ con người, có thể thấy rõ tinh thần và tình cảm người Trung Quốc. Nhà văn Lý Nhuệ đã giải thích: “Hầu hết những nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi đều chết, họ không làm anh hùng để chết, họ chết trong dòng chảy của lịch sử. Họ không chết thế này cũng chết thế khác. Không thể trốn chạy cái chết trong những năm tháng ấy, ý nghĩa của những cái chết và bao năm tháng cuộc đời mất đi khiến tôi cảm thấy sâu sắc nỗi đau của con người vì con người”.
Tuyết Minh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.