(HNM) - Bộ Tư pháp đang xây dựng tiêu chí quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng (CC), dự kiến đến tháng 6-2010 sẽ hoàn thành. Trong đó, quy định rõ từng nội dung về nhu cầu CC của xã hội, về doanh thu, sự phân bố dân cư, diện tích…
Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề này mới được Vụ Bảo trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức, nhiều quan điểm cho thấy các nội dung cần được xem xét, cân nhắc kỹ để phù hợp với thực tiễn.
Người dân làm thủ tục công chứng hồ sơ hộ tịch tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Linh Tâm |
Lũy tiến theo doanh thu?
Theo đề án "Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020" của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động các tổ chức hành nghề CC trong phạm vi cả nước, kết hợp với khảo sát, học tập thêm kinh nghiệm xây dựng, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề CC ở nước ngoài (lấy Pháp, Đức là 2 nước để tham khảo). Bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp) cho biết: Theo quy hoạch CC của Pháp, nếu một công chứng viên có 700 euro hoặc 600 vụ việc/năm thì có thể xem xét mở thêm văn phòng (VP) CC theo trình tự xem xét của Ủy ban Quốc hội vùng, Ủy ban Quốc hội quốc gia rồi Bộ Tư pháp quyết định.
Trong khi đó, ở Việt Nam, việc phát triển các VPCC còn mang tính tự phát và việc quản lý còn nhiều bất cập. Ông Đặng Mạnh Tiến (PCC số 4 - Hà Nội) khẳng định, nếu không quy hoạch thì "phong trào" nộp hồ sơ để mở VPCC tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp và sự phát triển ào ạt sẽ gây ra những hậu quả cho xã hội. Do vậy, cần phải có tiêu chí cụ thể để quy hoạch tổ chức CC. Tuy nhiên, ông Đặng Mạnh Tiến cũng cho rằng, tiêu chí số lượng hợp đồng và doanh thu không chính xác lắm. Chung quan điểm về vấn đề này, đại diện VPCC Nguyễn Tú khẳng định, tiêu chí doanh thu khó có thể xác định bởi doanh thu không phản ánh được nhu cầu CC và công việc. Ông Nguyễn Văn Hạnh (PCC số 2 - Hà Nội) cũng cho rằng, tiêu chí doanh thu ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều vấn đề, rất khó xác định. Có những tổ chức CC doanh thu cao dù lượng việc không cao hơn là bao nên doanh thu không phản ánh đúng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhu cầu, lượng việc. Nếu lấy tiêu chí doanh thu trung bình của các tổ chức hành nghề CC hiện tại vượt quá 100 đến 300 triệu đồng sẽ thành lập thêm một VPCC thì số tổ chức hành nghề CC tại các địa bàn sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội.
Phụ thuộc vào dân số?
Một trong những tiêu chí được các đại biểu quan tâm là diện tích đơn vị quy hoạch (khoảng cách tối thiểu từ 3 đến 5km giữa trụ sở các tổ chức hành nghề CC trên cùng địa bàn). Có đại biểu cho rằng, số lượng 5 tổ chức hành nghề CC trên một quận là hợp lý với khoảng cách tối thiểu là 3km. Lại có đại biểu cho rằng, như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng ở địa bàn giáp ranh sẽ có các tổ chức hành nghề CC nằm sát nhau, thậm chí có 2 tổ chức CC đối diện nhau ở cùng một khu phố. Tương tự, tiêu chí về sự phân bố dân cư (bảo đảm tỷ lệ hợp lý người dân/tổ chức hành nghề CC) được đánh giá là chỉ phù hợp ở các thành phố lớn, còn nhiều địa phương "e ngại" tiêu chí này bởi không đủ dân để thành lập tổ chức CC. Thực tế cho thấy, nhiều thành phố lớn đang xảy ra tình trạng trong nội thành các VPCC "mọc lên như nấm". TP Hồ Chí Minh với 9 triệu dân có 7 PCC và 12 VPCC; Hà Nội hơn 6 triệu dân có 9 PCC và 42 VPCC (trong khi vẫn còn 12 quận, huyện chưa có VPCC). Cả nước có 28 địa phương có VPCC, 244 tổ chức hành nghề CC với hơn 600 CC viên.
Điều đó cho thấy khó khăn hiện nay chính là việc quy hoạch ở các thành phố lớn. Theo dự đoán của các chuyên gia, 10 năm nữa, giao dịch ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung sẽ ổn định dần, không sôi động như hiện nay vì thị trường có giới hạn. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần có biện pháp "phanh" việc thành lập ồ ạt các VPCC trước khi có quy hoạch chính thức. Đồng thời, trong quy hoạch cần tính toán cụ thể, chi tiết từng yếu tố, vừa chú trọng việc phân bố trong các thành phố lớn vừa quan tâm thành lập ở vùng sâu, vùng xa để phục vụ người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.